Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

MỘT NẮM GẠO


         Trong một tỉnh của người Mizoram ở Ấn Độ có một nhóm người Cơ Đốc, họ đã tìm ra được một cách để làm công việc của Đức Chúa Trời. Khi một phụ nữ chuẩn bị nấu cơm cho gia đình, bà thường đong gạo vừa đủ cho cả nhà ăn. Nhưng trước khi nấu số gạo này, bà đã nắm một nắm gạo đầy để ra một bên, nắm gạo này bà để đến ngày thứ bảy, bà mang đến nhà thờ góp chung với số gạo của các phụ nữ khác. Nhà thờ bán số gạo đó lấy tiền để sử dụng cho những chương trình truyền giáo. Một trong số chương trình nầy là họ mua một máy vi tính, máy này giúp cho người Mizo hoàn tất được việc dịch Kinh Thánh sang tiếng bản xứ của họ.
          Câu chuyện trên đem lại niềm vui cho những người có ít tiền, dù nghèo khó, họ vẫn có thể bày tỏ tấm lòng dâng hiến với khả năng ít ỏi của mình. Như câu chuyện người đàn bà góa trong Luca 21, bà cảm thấy hạnh phúc khi đem dâng hai đồng xu nhỏ của mình mặc dầu bà biết những người giàu dâng vào quỹ của đền thờ nhiều món tiền lớn, thì những phụ nữ Ấn Độ nêu trên cũng có niềm hãnh diện về những nắm gạo của họ đã làm nên việc lớn cho Tin lành. Đức Chúa Trời không quá quan tâm đến số lượng mà là tấm lòng của người dâng hiến. Chúng ta có đủ can đảm để nói một cách chân thành rằng thời gian qua chúng ta đã dâng hiến cho Chúa bằng tất cả tấm lòng chăng?
          Ngày nay, cách lấy ra một nắm gạo trước khi nấu cơm, là rất phổ biến, ước mong mỗi gia đình, mỗi Hội thánh, đều có thể thực hiện những chương trình tương tự, không phải chỉ để chúng ta có ngân sách làm nhiều công việc truyền giáo, mà quan trọng hơn, là để mỗi tấm lòng tín hữu đều nhận thức được tinh thần dâng hiến cho Đức Chúa Trời, tinh thần chia sẻ với đồng bào, đồng loại trong những khốn khó của họ. Mọi người đều có thể đóng góp theo khả năng của mình, những người nghèo đều có thể trở nên giàu có bởi tấm lòng hiến dâng và giúp đỡ.

“... Và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình.”  
(2 Cô rinh tô 8:2).

Sưu tầm.



Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

15 GIÂY CỦA MỘT NGÀY


          Cuộc sống thật bận rộn, mỗi sáng tôi phải vội đến sở làm. Ăn sáng trong xe hơi là chuyện thường, Ở đây, chỉ 3 lần đi làm trễ mà không có lý do, bạn sẽ mất việc, mà đó là chuyện rất khủng khiếp. Tôi tính thời gian từng phút. Phải đến sở sớm hơn một chút, còn chào hỏi bạn bè, đồng nghiệp vài câu, thông tin cho nhau đôi chuyện quan trọng vừa xảy ra trong tuần, một vài tin tức về thời sự, chiến sự, thị trường v.v…             Hôm đó, cũng tất bật như mọi ngày, tôi bước qua cánh cổng công ty đi về phía phân xưởng. Một người cũng hối hả không kém, đang đi ngược về phía tôi, đó là Thomson, người bạn cũ hiện làm ở một phân xưởng khác. Chào nhau xong, anh hỏi nhanh: “Vội lắm phải không? Cho mình xin 1 phút được chứ?” Tôi cười: “Ồ, dĩ nhiên, vội thì vội, nhưng một phút có là bao!” Thomson rút trong túi một quyển sách nhỏ, đề tựa “God’s promises for your every need” (Những lời hứa của Thượng Đế cho mỗi nhu cầu của bạn) rồi nói: Chúng ta cùng nghe lời Chúa nhé! “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy. Ngài sẽ khiến công bình ngươi lộ ra như ánh sáng, và tỏ ra lý đoán ngươi như chánh ngọ.” (Thi Thiên 37:5, 6) – Xong, anh bắt tay tôi: “Chúc một ngày tốt lành” và vội vã đi. Tôi ngẩn ngơ với một cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu. Nhìn đồng hồ, tôi lẩm nhẩm đọc lại khúc Kinh Thánh mà Thomson vừa đọc: 15 giây! Vâng! Đúng 15 giây cho 2 câu Kinh Thánh!
          Bạn hãy thử xem, chỉ có 15 giây! Trong khi anh ấy xin tôi 1 phút và tôi đã hết sức hào phóng cho phép anh cái thời gian quí báu của mình, nhưng chúng tôi đã không sử dụng hết, mà chỉ có 15 giây. Ngày hôm ấy, tôi cũng dùng 86.400 giây như mọi ngày khác, nhưng 15 giây với Thomson là 15 giây thật giá trị. Tôi nghĩ lại, mình đã có bao nhiêu giờ để nói chuyện phiếm và tán gẫu, giải trí và bâng quơ. Thomson đã cho tôi 15 giây và một bài học vô cùng quí báu.

"Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi." (Thi thiên 119:105).

Sưu tầm.




Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

SỰ BẢO VỆ


      Chuyện kể rằng: Một hôm, Nhím và Sói gặp nhau bên bờ suối… Sói bị đói đã mấy ngày nay. Nó nhìn Nhím một cách thèm thuồng và tức tối. Nó nói: “Nhím này, mày chẳng hay ho gì cả… mày kém xa Thỏ về mặt sắc đẹp. Mày có biết cái gì làm cho mày xấu đi không?” Nhím hỏi: “Cái gì nào?” – “Chính những cái lông nhọn của mày đấy! Nếu muốn đẹp, mày phải bỏ những chiếc lông nhọn ấy đi.” Nhím lắc đầu dựng đứng những chiếc lông của mình lên đáp: Thật ra vì hàm răng sắc nhọn của mi mà ta phải mọc những “mũi tên” trên người như thế nầy đây!
      Ma quỷ giống như con Sói trong câu chuyện trên, và tạm ví chúng ta như con Nhím. Chúa trang bị cho con cái Ngài những khí giới để chống lại sự đe dọa thèm thuồng của quỷ dữ, như Ngài đã ban cho loài Nhím một bộ lông thật đặc biệt để làm vũ khí tự vệ. Nếu chúng ta nghe theo lời đường mật của ma quỷ, ngoan ngoãn bỏ qua một bên những khí giới mà Chúa đã sắm sẵn, chắc chắn sẽ là mồi ngon cho nó. Kinh Thánh cho biết những khí giới mà Chúa trang bị cho chúng ta là: “Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình, dùng sự sẵn sàng của tin lành bình an mà làm giày dép. Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 6:14-17).
      Vũ khí đã có sẵn, nhưng người chiến sĩ có mang theo trên người và có sử dụng hay không mới là yếu tố quyết định để giành phần thắng lợi. Nhiều Cơ Đốc nhân biết rất nhiều câu Kinh Thánh, nhưng không ứng dụng vào những trường hợp bị cám dỗ, hoặc ứng dụng lệch lạc đi. Khác nào dùng vũ khí không đúng cách. Chúa muốn chúng ta chiến thắng, Ngài trang bị tất cả để chúng ta chiến thắng, và ta phải nhờ ơn Chúa chiến thắng!

“Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (1 Phi e rơ 5:8).

Sưu tầm.



 

TÌNH YÊU KHÔNG BAO GIỜ DỨT


          Ngày qua ngày, người cha đầy lòng yêu thương thường xuyên đến bệnh viện với một bó hoa trên tay. Ông ngồi bên giường của đứa con gái 6 tuổi đang hôn mê. Rồi ông kể cho cô bé nghe về mọi việc xảy ra chung quanh, kể một cách tha thiết, dịu dàng. Nhưng trong tình trạng vô thức ấy, cô bé chỉ đáp lại bằng những nhịp thở nặng nề. Một hôm cô y tá chăm sóc cô bé đánh bạo nói với người cha: “Cô bé đang trong tình trạng hôn mê như thế, thật là khó để bác cứ ngồi kể chuyện từ ngày nầy qua ngày khác. Biết rằng bác thương cháu bé, nhưng làm như thế chỉ nhọc công mà thôi.” Người cha nhẹ nhàng trả lời, “Nhưng tôi sẽ tiếp tục đem những bó hoa đến cho con tôi và kể chuyện cho cháu nghe, cho dù cháu mê man không nhận thức được gì cả. Tôi yêu thương cháu, tôi muốn làm như thế cho dù cháu có hiểu biết hay không. Làm như thế lòng tôi mới thấy được ấm cúng và an ủi dù cho cháu ở trong tình trạng nầy.” 
          Thật là một hình ảnh ngọt ngào để tiêu biểu cho lòng yêu thương của Đức Chúa Trời! Ngài đã yêu chúng ta và bày tỏ tình yêu ấy cho dù ta ý thức hay không. Ngài yêu vì lòng Ngài yêu, không phải vì tình trạng chúng ta như thế nào thì Ngài mới yêu. Sự bền bỉ của tình yêu dường như không có giới hạn. Người cha kiên nhẫn và không mệt mỏi, kể những câu chuyện dài bên một thân thể bất động, là hình ảnh của Chúa Cứu Thế với những lời mời gọi thiết tha êm dịu: “Hãy mở cửa lòng…” Thế giới như đang trong cơn hôn mê thuộc linh. Người ta đóng chặt lỗ tai, đóng chặt đôi mắt. Họ không muốn thấy, cũng chẳng muốn nghe bất cứ điều gì về tình yêu của Đức Chúa Trời. Dẫu thế Ngài vẫn kêu gọi và đợi chờ, với hy vọng một ngày nào đó, những đứa con yêu dấu của Ngài sẽ tỉnh khỏi hôn mê trần thế.

“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với Ta.” (Khải huyền 3:20).

Sưu tầm.

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

NHÀ BẠN CÓ BỊ DỘT KHÔNG?

          Một người bạn bực dọc than phiền về người thợ xây dựng vừa sửa chữa căn nhà của anh: "Thầy với thợ! Vừa sửa nhà xong, mưa xuống một trận, mái nhà dột lung tung!" Vài ngày sau gặp lại, khi hỏi anh ta: nhà đã hết dột chưa. Anh vẫn ấm ức trả lời: "Sửa lại rồi, nhưng phải chờ mưa xuống mới biết còn dột chỗ nào không." Trong một cuốn sách viết vào năm 1696 có đoạn, "Hoạn nạn đau đớn cho tâm hồn cũng giống như mưa ướt sũng mái nhà. Chúng ta chỉ biết được mái nhà dột chỗ nào khi mưa rơi xuống, những chỗ dột sẽ nhỏ nước. Có lẽ chúng ta không hề biết tâm hồn mình có những nhược điểm nào, cho tới khi mưa gió của hoạn nạn kéo đến, lúc đó chúng ta mới thấy sự vô tín, nóng nảy và sợ hãi lộ diện nhiều nơi."
          Nhiều lúc, trong một hoàn cảnh bức xúc nào đó, chúng ta bất ngờ nhận ra những lời nói hoặc hành động xấu xa của mình, mà lúc bình thường không bao giờ chúng ta biểu lộ như thế. Trong những tháng ngày êm ả, chúng ta khó có thể nhận diện một cách đầy đủ bản tánh của mình. Chính hoạn nạn thử nghiệm chúng ta và cho thấy chúng ta thuộc loại Cơ Đốc nhân nào. Nếu áo giáp thuộc linh của chúng ta có khuyết điểm, chúng sẽ lộ ra khi gặp những áp lực, sự căng thẳng và khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo sợ, bởi lẽ chính Cha yêu thương đã cho phép những dòng nước tràn tới, không phải để nhấn chìm mà là thanh tẩy và giúp chúng ta phát hiện được đời sống mình cần phải sửa chữa những chỗ nào. “Nhà” bạn đã trải qua một "cơn mưa" tầm tã nào chưa? Bạn có nhận thấy những chỗ "dột" trong bản tánh mình không? Bạn đã từng bực bội, giận dữ, mất đức tin, sợ hãi hoặc nổi loạn chưa? Hãy biết rằng Đức Chúa Trời đã đặt bạn trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy để bạn biết được nhu cầu thuộc linh của mình. Bằng sự cầu nguyện, đức tin và đầu phục Thánh Linh, hãy sửa chữa "những chỗ dột."

"Khi ngươi vượt qua các dòng nước, Ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi." (Ê sai 43:2).



CÓ THỂ SỐNG LẠI CHĂNG?


         Những nhà khảo cổ đã đào xới một khu vườn cổ của người Ai Cập bị chôn vùi suốt gần 3000 năm. Họ tìm thấy những hạt đậu với tuổi thọ tương tự số năm như vậy. Các hạt đậu nầy được mang trồng lại vào ngày 4 tháng 6 năm 1844, và trong vài ngày sau đó, hạt đậu đã phá vỡ lớp đất mỏng và nẩy mầm! Những hạt đậu nằm yên suốt 3000 năm, nay được phục sinh. Thật diệu kỳ!
          Nếu Đức Chúa Giê-su không từ kẻ chết sống lại và không có ngày phục sinh sau nầy cho chúng ta, thì cuộc sống Cơ Đốc nhân không còn chút nào ý nghĩa. Nếu cuộc đời này chỉ có thế thôi - chỉ vài mươi năm khóc cười lẫn lộn, rồi sau đó là bóng đêm vĩnh cửu - thì có thể cùng nói với Phao-lô rằng: "Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời này mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết." (I Cô-rinh-tô 15:19.) Sự phục sinh không phải là một tư tưởng hoang đường và khó tin. Phao-lô đã đem lãnh vực thực vật để ứng dụng vào lẽ thật phục sinh một cách sắc bén. I Cô-rinh-tô 15:36 "Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được." Chúng ta có thể thấy sự minh họa ấy trong thế giới thiên nhiên quanh ta.
          Vậy thì, sao không thể tin vào việc Đức Chúa Trời gọi kẻ chết sống lại? Công vụ 26:8: "Ủa nào! Các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại sao?" Nếu Đức Chúa Trời có thể lấy bụi đất hà hơi sống để tạo ra con người (Sáng thế ký 2:7), thì sao Ngài lại không thể làm cho kẻ chết sống lại? Đức Chúa Giê-su đã phán: "Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi." Giăng 11:25. Đức Chúa Giê-su đã khiến kẻ chết sống lại. Chính Ngài cũng đã sống lại. Có bao giờ bạn hoài nghi về điều đó chăng? Nếu chính bạn mà còn mơ hồ về sự sống lại, thì làm sao có thể kéo người khác đến đức tin? Hãy nhớ: Tin Chúa mà không tin vào sự phục sinh, thì chúng ta thật bất hạnh!

"Các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng
Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại sao?" (Công vụ các Sứ đồ 26:8).

(Sưu tầm).

 

TƯ TƯỞNG CỦA CHÚNG TA!

          Nếu có dịp ghé động Mammoth ở Kentucky, hoặc các hang động có thạch nhũ khác, như Hạ Long, Phong Nha ở Việt Nam v.v… chúng ta không thể ngờ rằng những cột đá khổng lồ lại được tạo thành bởi những giọt nước nhỏ, cứ nhỏ giọt mãi một cách đều đặn. Một giọt nước rơi từ bề mặt xuống xuyên qua phần trên của hang động, và lượng trầm tích nhỏ bé lắng xuống trên sàn động. Một giọt nữa rơi tiếp, rồi lại một giọt nữa, cho đến chừng “như băng đá" tạo thành một cột đá khổng lồ.
          Tiến trình tương tự cũng đang diễn ra trong mỗi lòng chúng ta. Mỗi tư tưởng đọng lại trong tâm hồn là một đóng góp để tạo nên các cột trụ trong bản tính. Tư tưởng bạn giữ trong trí sẽ tạo nên những khía cạnh của nhân cách, kết hợp nên "con người" thật của bạn. Đừng tưởng rằng những suy nghĩ và lời của chúng ta rồi sẽ qua đi. Trước hết, tư tưởng và lời nói sẽ phản ảnh tấm lòng của bạn như thế nào, đang hướng về điều gì. Nếu nuôi dưỡng lâu ngày những tư tưởng ấy, nó sẽ hình thành bản chất của bạn theo chiều hướng đó. "Vì hắn tưởng trong lòng thể nào thì hắn quả thể ấy." Châm ngôn 23:7.
          "Gieo một tư tưởng gặt một lời nói,
          “Gieo một lời nói gặt một hành động,
          "Gieo một hành động gặt một thói quen,
          “Gieo một thói quen gặt một bản chất."
          Nếu mỗi ý nghĩ của chúng ta được hiện lên trên một màn hình cho mọi người xem thì chắc chúng ta sẽ bỏ xứ mà đi thôi! Phải nghiêm túc ý thức rằng dù chúng ta có thể che giấu ý nghĩ của mình đối với người khác, nhưng Chúa biết hết mọi điều. Cần cẩn trọng với tư tưởng của mình, không chỉ vì Chúa biết rõ mọi sự thầm kín, mà cũng vì ý tưởng sẽ quyết định tâm tính của chúng ta. Đức Chúa Giê-su phán, lời nói và hành động xuất phát từ trong lòng của mỗi người. (Ma-thi-ơ 15:18, 19).

“Những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng..." 
 (Ma thi ơ 15:18).

Sưu tầm.


Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

SỢ VÀ YÊU


Đọc: Phục truyền Luật lệ ký 10:12-17.

"Điều mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đòi hỏi ngươi là gì nếu không phải là tôn kính [Ngài] ... và yêu mến Ngài."  
(Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:12).

            Có người chia sẻ với tôi nhận xét về hai người chủ. Một ông được thuộc hạ yêu nhưng không sợ. Vì yêu chủ nhưng không nể trọng uy quyền của ông, nên họ không làm theo chỉ dẫn của ông. Ông chủ kia thì được người dưới quyền vừa sợ vừa yêu, và cách cư xử tốt đẹp của họ chứng tỏ điều đó.
            Chúa cũng muốn dân sự Ngài vừa yêu vừa sợ, Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Phục Truyền Luật Lệ Ký 10, nói làm theo lời hướng dẫn của Đức Chúa Trời đòi hỏi cả hai. Câu 12 bảo chúng ta "Tôn kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi" và "yêu mến Ngài."
            "Tôn kính" Giê-hô-va Đức Chúa Trời tức là dành cho Ngài sự tôn kính cao nhất. Đối với Cơ Đốc nhân, đây không phải là vấn đề cảm thấy bị Ngài dọa dẫm hoặc e dè bản tánh của Ngài. Nhưng vấn đề là do tôn trọng thân vị cùng uy quyền của Ngài mà chúng ta bước đi trong đường lối và vâng giữ điều răn Ngài. Vì "yêu," chúng ta hết lòng và hết linh hồn phục vụ Ngài chớ không chỉ vì bổn phận (c.12).
            Tình yêu tuôn tràn từ lòng biết ơn sâu xa vì Ngài đã yêu chúng ta thay vì do chúng ta thích hay không thích. "Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước" (1 Giăng 4:19). Lòng kính sợ và yêu Chúa giúp chúng ta tự nguyện bước đi trong sự vâng phục luật pháp Ngài.
- Albert Lee
            Lạy Chúa, Ngài thánh khiết và ý tưởng Ngài cao hơn ý tưởng con rất nhiều. Con cúi đầu trước mặt Ngài, Cảm tạ Ngài về sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Con yêu Ngài và muốn hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức vâng phục Ngài. A-men.

Nếu chúng ta sợ và yêu Chúa, chúng ta sẽ vâng lời Ngài.

Sưu tầm: Daily Bread.