Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

ĐỘNG LỰC TÌNH YÊU


               Quận công Windsor (1894-1972) chính là quốc vương Edward Đệ Bát của nước Anh, sau khi cầm quyền cai trị nước Anh 325 ngày, đã tự nguyện thoái vị, nhường ngôi lại cho George Đệ Lục, để theo tiếng gọi của tình yêu, cưới bà Wally Simpson, một thiếu phụ người Hoa Kỳ đã hai lần ly dị. Luật lệ Hoàng gia không cho phép một quốc vương cưới vợ như thế, nên vua thà lấy người yêu hơn là có ngai vàng mà mất nàng. Vào ngày 10-12-1936, quốc vương Edward sau khi thoái vị đã tuyên bố như sau: “Một vài giờ trước đây, tôi đã từ bỏ nhiệm vụ hoàng đế nước Anh… Chắc hẳn quốc dân đồng bào đã biết rõ lý do nào mà tôi phải lìa bỏ ngôi báu… Xin quốc dân đồng bào hãy tin lời tôi rằng, tôi không thể nào làm trọn trọng trách do quốc dân đồng bào giao phó nếu không có sự giúp đỡ và ủng hộ của người đàn bà mà tôi yêu mến.” Sau khi lìa bỏ ngai vàng, quốc vương Đệ Bát cùng với người yêu sống lưu vong tại Pháp với tước vị Quận Công Windsor. Ông đã qua đời tại Paris vào thượng tuần tháng 6-1972, hưởng thọ 78 tuổi. Thi hài ông được đem về Anh quốc chôn cất tại phần đất của lâu đài Windsor.
              Một tình yêu thật mãnh liệt. Sức mạnh tình yêu có thể vượt lên tất cả. Khi yêu, người ta có thể làm những điều tưởng chừng như không thể nào thực hiện được. Nếu một người đã thật sự yêu ai, người ấy có thể hy sinh mọi thứ – kể cả tính mạng của mình – cho người mình yêu. Câu chuyện trên khiến chúng ta liên tưởng đến tình yêu vĩ đại của Chúa Cứu Thế đối với con người, tình yêu ấy đã thúc giục Ngài từ bỏ ngai trời - Vua của vũ trụ - để xuống thế làm người. Nếu mọi Cơ Đốc nhân đều được thôi thúc bởi động lực yêu Chúa, chúng ta có thể làm được tất cả. Sứ đồ Phao-lô – một người từng thù ghét Chúa Jêsus, sau khi đầu phục Chúa, ông đã hoàn toàn thay đổi, người viết rằng: “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi.” (II Cô-rinh-tô 5:14a).

Đức Chúa Giê su phán: "Chẳng có tình yêu nào vĩ đại hơn là tình yêu của người chịu hy sinh tính mạng cho bạn hữu mình." (Giăng 15:13).

(Sưu Tầm)

SỰ HIỂU BIẾT CHƯA ĐẦY ĐỦ


          Một người lính Mỹ trở về nước sau khi tham chiến ở một nước khác. Anh điện thoại cho cha mẹ từ San Francisco và thông báo với gia đình rằng anh sẽ dẫn về một người bạn, người ấy không có thân nhân và muốn về ở luôn tại nhà anh. Anh nói: "Nhưng có một điều con muốn ba mẹ biết, người bạn của con bị thương rất nặng anh ấy bị mất một chân và một tay." Cha mẹ anh cùng nói: “Tội nghiệp quá, con cứ đưa cậu ấy về đây, ba mẹ sẽ liên hệ với các tổ chức từ thiện để tìm cho cậu ấy một chỗ ở." - "Không, con muốn anh ta sống chung với gia đình mình.” Tiếng người cha vang lên ở đầu dây bên kia, "Con trai, con không hiểu gì sao? Một người tàn tật như vậy sẽ là một gánh nặng cho gia đình chúng ta. Ai cũng phải có việc riêng để lo và không thể bị ảnh hưởng bởi những chuyện như vậy.”
          Cuộc điện đàm kết thúc, ba mẹ không thấy anh ta về nhà, và cũng không nhận được tin tức gì nữa. Vài ngày sau, họ nhận được một cú điện thoại từ sở cảnh sát San Francisco, báo tin con trai họ đã rơi từ trên lầu của một bệnh viện và chết. Cảnh sát cho rằng đó là một vụ tự tử. Trong nỗi đau khôn tả, cha mẹ anh vội đến San Francisco để nhận xác anh. Đúng là thi thể của anh, nhưng họ bàng hoàng khám phá ra rằng: con trai họ chỉ còn một tay và một chân.
          Cái chết đáng thương của anh lính trẻ thật đáng trách. Anh cần hiểu rằng đó chỉ là thái độ của cha mẹ anh đối với một người tàn tật xa lạ, còn anh là con của họ! Nhưng dẫu sao, người lính nầy vẫn có quyền thăm dò thái độ của cha mẹ mình đối với một người tàn tật. Ôi! Nếu họ có lòng nhân từ hơn, nếu họ quen với việc cứu giúp người khác mà không cảm thấy nặng nhọc và phiền toái, thì họ đã không mất đứa con yêu dấu của họ đang bị dằn vặt vì mặc cảm tật nguyền. Dẫu cho bạn có bị ruồng bỏ hoặc đối xử thậm tệ, hãy nhớ rằng Chúa yêu bạn hơn bao giờ hết, Ngài chấp nhận thực tế, dù bạn có thế nào chăng nữa!

"Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê hô va sẽ tiếp nhận tôi." (Thi thiên 27:10).

(Sưu Tầm)

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

TỰ NUÔI MÌNH


Đọc: Hê bơ rơ 5:12-6:2.

            Mấy đại bàng con bị đói, nhưng cha mẹ dường như làm ngơ chúng. Con lớn nhất trong ba con, quyết định giải quyết cơn đói bằng cách gặm một cành cây. Có vẻ như không ngon lắm, vì nó bỏ cuộc ngay sau đó.
            Điều hấp dẫn tôi từ cảnh này, đang được quảng bá trên webcam của Norfolk Botanical Garden, đó chính là có một con cá lớn nằm ngay sau lưng mấy đại bàng con này. Nhưng chúng chưa biết cách tự nuôi mình. Chúng vẫn phải nhờ cha mẹ xé nhỏ thức ăn ra để đút cho chúng. Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, cha mẹ sẽ dạy chúng cách tự nuôi mình một trong những bài học đầu tiên để sống còn. Nếu đại bàng con không học kỹ năng này, chúng sẽ không bao giờ có thể tự tồn tại được.
            Tác giả Hê-bơ-rơ đề cập một vấn đề tương tự trong lãnh vực thuộc linh. Một số người trong Hội Thánh không trưởng thành thuộc linh. Họ chưa học biết phân biệt tốt xấu (Hê-bơ-rơ 5:14). Giống như đại bàng con, họ chưa học phân biệt giữa cành cây với con cá. Họ vẫn còn nhờ người khác cho mình ăn, khi lẽ ra họ phải không chỉ tự nuôi mình mà còn phải lo cho người khác nữa (c.12).
            Dù tiếp nhận thức ăn thuộc linh từ người giảng và thầy giáo là điều tốt, nhưng sự tăng trưởng và tồn tại thuộc linh cũng tùy thuộc vào cách chúng ta biết tự nuôi mình.    
                               -Julie Ackerman Link

(Sưu tầm)

THỜI ĐIỂM TỰ XÉT


Đọc: 1 Cô rinh tô 11:27-29.

            Hằng năm tôi phải kiểm tra sức khỏe đi khám định kỳ, chịu ấn, nắn, soi, và khám xét. Dễ khiến lo lắng và thậm chí sợ hãi nữa. Chúng ta không biết chắc những xét nghiệm cho thấy gì, hoặc bác sĩ sẽ nói gì. Dù vậy, chúng ta biết mình cần sự đánh giá đó, để hiểu thể trạng của mình, và sắp tới cần phải làm gì.
            Đời sống thuộc linh của người theo Chúa cũng vậy. Thỉnh thoảng chúng ta cần dừng lại, suy nghĩ về tình trạng của tấm lòng và đời sống chúng ta.
            Chỗ quan trọng để chúng ta cần tự xét là Bàn Tiệc Thánh. Phao-lô viết cho người Cô-rinh-tô, có một số đang ăn bánh cách không xứng đáng: "Mỗi người phải tự xét chính mình, rồi mới ăn bánh uống chén ấy" (1 Cô-rinh-tô 11:28). Khi nhớ lại Đấng Christ chết vì chúng ta, có thể đây là dịp để chúng ta suy nghĩ và hiểu rõ hơn, vì nghĩ tới giá Chúa Giê-xu đã trả vì chúng ta, là dịp tốt nhất, để xét lại tấm lòng cùng những mối liên hệ của chúng ta. Sau đó, khi đã thành thật với tình trạng thuộc linh của mình, chúng ta có thể đến với Ngài, tìm kiếm ân sủng có cần, để giúp chúng ta nhơn danh Ngài mà tiến bước.
            Đây có phải là lúc để bạn tra xét mình không?  
                                                                             - Bill Crowder

(Sưu tầm)