Mục sư Billy Graham
Có người nghĩ rằng sở hữu nhiều của cải
là điều đáng mừng. Khi nghe có người trúng số độc đắc thì họ ước rằng mình cũng
sẽ trúng số như vậy. Ðối với họ một đời sống bình an là một đời sống không bao
giờ có khó khăn về tài chánh, có nhiều tiền bạc. Họ ước mơ đến những vật mà họ
mua bằng số tiền họ đang cất giấu.
Có
lần Chúa Giê-xu nói đến sự lừa dối của tiền bạc. Bạn có lắm tiền nhiều bạc
chăng; cuộc đời bạn sẽ bị xáo trộn. Bạn sẽ có khuynh hướng nương tựa vào tài
sản của bạn hơn là trông cậy vào Ðức Chúa Trời. Bạn sẽ thấy an toàn với túi bạc
hơn là gần Chúa và không nghĩ rằng một mai bạn sẽ chết bất cứ lúc nào. Chúa
Giê-xu nói: “Người giàu vào nước thiên đàng khó biết bao! Con lừa chui qua
lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Chúa” (Lu-ca 18:24, 25). Câu
nói ấy cho thấy tiền bạc không đưa người vào cõi phúc mà chỉ dắt người vào tai
họa. Trong thời đại vật chất ngày nay, các giá trị bị đảo ngược. Cái chân giá
trị thì chúng ta xem thường, còn cái vô giá trị thì chúng ta xem trọng.
Bình An
Trong Phúc Âm Lu-ca chương
12, Chúa Giê-xu kể chuyện về một anh nhà giàu nằm trên đống tiền của mình, nói
với linh hồn mình rằng: “Ngươi đã có của cải tích trữ cho nhiều năm. Hãy
nghỉ ngơi, ăn uống, và vui chơi.” Nhưng Ðức Chúa Trời bảo anh: “Ngươi
thật dại dột! Chính đêm nay mạng sống ngươi sẽ bị đòi lại. Ai sẽ hưởng những gì
ngươi dành dụm?” (câu 19, 20 NIV-VPNS). Người giàu trong câu chuyện
này cảm thấy rất an ninh. Anh không nghĩ gì đến Chúa. Anh không cần cầu nguyện
vì anh có đủ tất cả rồi. Lòng anh đã chai cứng , lương tâm anh chai lì, não bộ
tối tăm. Anh chẳng nghĩ đến cái chết đang chờ đợi anh và anh chẳng hề biết đến
ngày Ðức Chúa Trời phán xét anh. Anh nghĩ rằng của cải của anh sẽ là bức tường
kiên cố bảo vệ đời sống anh. Ðời người không bao giờ bình an khi không có Chúa.
Chúa Giê-xu đã dạy như thế từ hơn 2000 năm nay rồi. Ngoài Chúa, không ai có thể
tìm được bình an thật sự. Nếu có điều gì làm bạn có cảm giác bình an mà không
cần Chúa, thì của cải đó là giả tạo và Kinh Thánh gọi là ma quỷ. Ðấng Cơ Ðốc
không chỉ nói về người giàu có tiền bạc, Ngài còn nói về những người có nhiều
tài năng, trí óc thông minh, có danh vọng lớn - đời sống những người này chẳng
kém nguy hiểm hơn những người giàu có tiền bạc, nếu họ không có Chúa. Chúa
Giê-xu đưa ra câu hỏi: “Nếu một người chiếm được cả thế gian, nhưng mất linh
hồn thì được ích gì?” (Mác 8:36 NIV-VPNS). Nhiều người cho
rằng của cải thật nhiều và một đời sống phong lưu là mục đích tối cao của con
người. Nhưng Kinh Thánh dạy rằng của cải thật nhiều mà không có Chúa thì nó sẽ
hủy hoại cả quốc gia lẫn con người trong đó.
Xa Hoa
Trước đây 15 thế kỷ, triều đình La
Mã sống trong cảnh cực kỳ xa hoa. Người La Mã khinh chê các giống dân sống ở
miền Bắc. Vì những giống dân này có đời sống nghèo nàn và kém văn minh hơn
người La Mã. Họ sống ô hợp, không tổ chức, không thể là lực lượng đáng ngại cho
một nước nào, thế nhưng đã có lần họ đánh bại đế quốc La Mã. Tại sao một giống
dân nghèo đói, thất học, sống trong tình trạng dã man lại thắng được một
đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời đó?
Vì đế quốc La Mã luôn mãi mê sống xa hoa, sa đọa, vô luân, chẳng biết gì về tâm
linh cả. Thủ đô của họ chưa kịp ra quân, đã phải chiến bại.
Nghĩ Ngơi
Người giàu trong câu chuyện Chúa
Giê-xu kể có mọi thứ để bảo đảm cuộc sống huy hoàng của mình. Anh nghĩ đến một tương
lai rất xa, tính trước việc an hưởng tuổi già sao cho thật sung sướng. Anh tự
lo từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, tuy nhiên anh vẫn sót một điều. Ðó là cầu vấn ý
Ðức Chúa Trời, nên chương trình của anh sắp đặt tưởng là hoàn hảo bổng đổ vỡ.
Anh không biết rằng quyết định cuối cùng thuộc về Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu
không dạy làm giàu là sai trái. Ngài muốn dạy về cách sử dụng tài sản của mình.
Chúng ta có thể tự bảo: “Tôi vạch chương trình cẩn thận. Tôi dự tính mọi điều
và cứ thế mà làm.” Nhưng Ðức Chúa Trời bảo: “Ta có một chương trình khác cho
con.” Chúng ta chỉ muốn làm chủ đời sống mình, làm chúa của số phận mình. Chúng
ta muốn mọi người, mọi cảnh ngộ phải hoạt động phù hợp với các dự tính để
chương trình của chúng ta thành công mỹ mãn. Chương trình của chúng ta dường
như thành công nhưng đến giai đoạn chót thì tan vở như chương trình của người
giàu kia.
Thành Công
Con người duy vật này đã không nghĩ
đến Ðức Chúa Trời. Ngài không gọi tất cả người giàu là dại dột, nhưng chỉ riêng
người giàu này thôi. Ðêm ấy, anh lìa đời. Chúa Giê-xu muốn chúng ta để ý điều
này: “Người nào tích chứa nhiều thứ cho mình mà không giàu có nơi Ðức Chúa
Trời cũng sẽ như thế” (Lu-ca 12:21 NIV-VPNS). Theo quan điểm
của người thế tục thì người giàu trong câu chuyện này khá thành công. Ðám tang
của anh rất sang trọng, có hằng trăm người tham dự, có các nhân vật quyền thế
than khóc cạnh quan tài. Nhưng nếu nhìn với quan điểm tâm linh, thì cuộc đời
anh quá thê thảm.
Của
Cải
Ðức Chúa Trời muốn chúng ta có của
cải để làm vui lòng Ngài. Ngài dựa trên sự công chính từ trong lòng mà thế gian
không thể thấy – nhưng luôn được phơi bày trước mặt Ðức Chúa Trời. Ngài nhìn
vào của cải chứa trong tim và linh hồn. Ðấng Cơ Ðốc bảo rằng nếu một người có
đủ mọi thứ trên đời nhưng còn thiếu một điều cuối cùng, một điều quan trọng
nhất thì đời người ấy chi là một tai họa. Ðiều gì mà quan trọng như vậy? Chúa
Giê-xu giải thích: “Anh còn thiếu một điều. Hãy bán hết tài sản và phân phát
cho người nghèo, anh sẽ có kho báu trên trời” (Lu-ca 18:22 NIV-VPNS).
Bạn có giống như người giàu này
không? Bạn có tin vào Chúa Giê-xu Cơ Ðốc không? Thế giới chúng ta sống hiện nay
sẽ có ngày tan rã. Kinh Thánh dạy rằng mọi đền đài đều sẽ sụp đỗ, mọi thứ sẽ
qua đi, “nhưng ai làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời sẽ tồn tại đời đời” (1
Giăng 2:17). Hãy đến với Ðấng Cơ Ðốc. Hãy dâng đời sống mình cho Ngài bây
giờ. Ngài là sự bình an mà chúng ta cần có.
Cảm tạ Chúa, tôi được nhắc nhở nhiều về sự dạy dổ này, tôi thỏa lòng với những gì mình có, và đầu tư cho tâm linh nhiều hơn, giàu có hơn, phong phú hơn... Ôi Chúa thế gian biết bao người đang chìm đắm lặn ngụp rồi chà đạp nhau trên bã lợi danh phù phiếm, hư không của sự hư không, thảy đều hư không.
Trả lờiXóa