Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Tin Lành với Công Giáo khác nhau thể nào?

      Đạo Tin Lành với đạo Công Giáo có những điểm giống nhau và cũng có những điểm khác nhau.

1.- Những điểm giống nhau:
-  Tin Lành và Công Giáo đều tin Đức Chúa Trời theo sự chỉ dẫn của Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.
-  Tin Lành và Công Giáo đều tin Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh.
-  Tin Lành và Công Giáo đều tin Đức Mẹ Ma ria đồng trinh khi bà mang thai bởi quyền năng Đức Thánh Linh sanh ra Đức Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế của nhơn loại. 
-  Tin Lành và Công Giáo đều tin có Thiên đàng dành cho người được cứu và Hỏa ngục dành cho người bị hình phạt.

2.- Những điểm khác nhau:
                Giáo Hội Tin Lành chỉ chấp nhận những truyền thống của Hội Thánh qua các thời đại hợp với Kinh Thánh. Trái lại Giáo Hội Công Giáo chấp nhận những truyền thống của Hội Thánh dù không có ghi trong Kinh Thánh, như:
-   Công Giáo tin là cầu nguyện nhờ Đức Mẹ cầu bầu. Tin lành không tin Đức Mẹ cầu bầu, chỉ có Đức Chúa Giê-xu mà thôi. Vì Kinh Thánh chép: “... chúng ta có Ðấng cầu thay ở nơi Ðức Chúa Cha, là Ðức Chúa Jêsus Christ, tức là Ðấng công bình.” (1 Giăng 2:1).
-   Công Giáo tin rằng Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Kinh Thánh không nơi nào nói như vậy.Tin Lành tin rằng con người được “hoài thai trong tội lỗi.” (Thi 51:5b). Bà Ma ri cần được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là: “Cứu Chúa” của Bà. (Lu ca 1:47b).
-   Công Giáo tin Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Rỗi với Đức Chúa Giê-xu. Tin Lành không tin như vậy, vì Kinh Thanh không nói như vậy, chỉ có Chúa Giê su là Đấng Cứu Rỗi mà thôi. Kinh Thánh chép về Đức Chúa Giê-xu rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.”  (Sứ đồ 4:12).
-   Công Giáo tin Đức Mẹ về trời cả hồn lẫn xác. Tin Lành không tin như vậy. Vì Kinh Thánh không nơi nào nói như vậy. 
-   Công Giáo tin có ngục luyện tội. Tin lành không tin có ngục luyện tội.
-   Công Giáo tin là Giáo Hội có thẩm quyền như Kinh Thánh. Tin Lành tin là chỉ có Kinh Thánh có thẩm quyền. Vì Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời “là lời sống và linh nghiệm” (Hê bơ rơ 4:12) và “Cả Kinh Thánh đều là bởi Ðức Chúa Trời soi dẫn.” (2 Ti mô thê 3:16).
-  Công Giáo tin là Đức Giáo Hoàng vô ngộ. Tin Lành không tin như vậy, và tin rằng “mọi người đều đã phạm tội.” (Rô ma 3:23).
-  Công Giáo tin là xưng tội với Linh mục. Tin lành chỉ tin là xưng tội với Ba Ngôi Đức Chúa Trời. “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1Giăng 1:9).

THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC

Thưa quý vị, trong Đạo Tin Lành có sự dạy dỗ rất quan trọng. Đó là Thiên đàng và Địa Ngục.
- Thiên Đàng: Đức Chúa Giê-xu dạy rằng vào ngày phán xét cuối cùng, Chúa sẽ phán cùng những người mà Chúa đẹp lòng ở bên hữu rằng: “Hỡi các con được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước Thiên đàng đã sắm sẵn cho các con từ khi dựng nên trời đất.” (Ma thi ơ 25:34).
- Địa ngục: Đức Chúa Giê-xu cũng dạy rằng: “Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào Lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó.” (Mat 25:41).
                Như vậy từ khi tạo dựng trời đất, với tấm lòng yêu thương loài người, là những người con do Đức Chúa Trời tạo dựng nên, Ngài đã sắm sẵn Thiên đàng là nơi vĩnh phúc cho loài người.
                Ngài cũng tạo dựng Lửa đời đời nơi Địa ngục cho Ma quỉ và những quỉ sứ của nó, chớ không phải cho loài người. Nhưng nếu có những người nào phải vào Địa ngục, thì tại vì những người đó chìu theo sự cám dỗ của ma quỉ, rồi trở nên những người thuộc về nó. Nhất là những người nầy lại chối từ sự tha thứ của Đức Chúa Trời, không chịu trở lại làm con cái của Ngài. Những người nầy đã lệ thuộc ma quỉ cho nên sẽ phải theo ma quỉ mà bước vào Địa ngục với nó.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn yêu thương những người con lạc bước, Ngài trông đợi những người nầy trở lại với Ngài. Như lời Đức Chúa Trời nói rõ là Ngài không muốn cho người nào bị hình phạt, “song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2Phi e rơ 3:9). Lời Ngài đang kêu gọi lạc bước rằng: “Hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thư dồi dào.” (Ê sai 55:7b).

Đạo Tin Lành tôn thờ ai?

Đạo Tin Lành tôn thờ Ông Trời.
          Người Anh, Mỹ, Úc gọi Ông TrờiGod. Người Do Thái gọi Ông TrờiĐức Giê-Hô-va. Tiếng Việt nam rất phong phú, khi gọi Ông Trời người Việt nam gọi bằng những danh xưng như sau:
- Khi nói về Thiên mệnh, Nguyễn Du nói: “Ngẫm hay muôn sự tại Trời. Trời kia đã bắt làm người có thân, bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
- Khi kêu Trời để than van, người ta gọi: “Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt nam nầy!...”
- Khi nói Ông Trời là Đấng Tạo Hoá, người ta nói: “Thiên sanh vạn vật, duy nhơn tối linh.”
- Nói Ông Trời là Cha Thiên Thượng, người ta nói: “Thiên sanh nhơn.”Trời sanh ra loài người.
- Người Đạo Tin Lành tôn xưng Ông TrờiĐức Chúa Trời. Cho nên khi tín hữu Tin Lành nói đến những danh xưng như Đức Chúa Trời, Đức Giê hô va, Thượng Đế, Đấng Tạo Hoá, Cha Thiên Thượng là chúng tôi nói đến Ông Trời.

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Do đâu được sự cứu rỗi?


Được cứu rỗi là chúng ta thoát khỏi sự hình phạt, và được ở với Chúa đời đời trong Thiên quốc vinh hiển của Đức Chúa Giê-xu Christ.
Nhiều người nghĩ rằng chúng ta phải làm nhiều công việc tốt như làm nhiều điều thiện, làm lành, hay làm nhiều việc công đức thì mới được cứu rỗi.
Kinh Thánh không dạy như vậy. Kinh Thánh xác nhận: “ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu.” (Ephêsô 2:8a). Ân điển là sự ban ơn của Chúa. Đức tin là lòng tin của chúng ta tin rằng vì yêu chúng ta Đức Chúa Giê-xu đã chịu chết trên thập giá gánh hình phạt thay cho chúng ta.

         Nếu viết thành một phương trình thì:                               

Ân điển của Chúa + Lòng tin nơi Chúa = Được sự cứu rỗi.

Kinh Thánh nói thêm cho rõ là, sự cứu rỗi “không phải đến từ anh em, bèn là sự ban tặng của Ðức Chúa Trời.” (Ephêsô 2:8b). Và sự cứu rỗi “chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” (Ephêsô 2:9). Sự cứu rỗi được Đức Chúa Trời biếu tặng cho chúng ta không phải do những công việc làm lành, làm thiện hay do công đức mà do Đức Chúa Trời làm ơn cho chúng ta qua sự chết thay của Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ trên thập giá.
Xin chúng ta lưu ý rằng trong phương trình cứu rỗi không hề thấy đề cập đến việc làm lành trong đó.
Đức Chúa Giê-xu đã chịu chết đổ huyết ra để xoá sạch tội lỗi của chúng ta, bây giờ nếu chúng ta tin, thì chúng ta được Đức Chúa Trời cứu rỗi và chúng ta được làm con cái của Ngài.  
Sau khi đã nhận được sự cứu rỗi rồi, Đức Chúa Giê su dạy các con cái Ngài phải làm lành, đặng người ta “thấy những việc lành của các con, và ngợi khen Cha các con ở trên trời.” (Ma thi ơ 5:16). Vậy, chúng ta làm lành để Danh Chúa được ngợi khen chớ không phải để được cứu rỗi, vì đã được cứu rỗi rồi.



Muốn được tha tội phải làm sao?



Loài người có nhiều tội lỗi. Kinh thánh cho biết: “Mọi người đều đã phạm tội.” (Rô ma 3:23). Chính lương tâm chúng ta nhận rằng: “Tôi không toàn vẹn. Tôi có tội.” Vì nhân vô thập toàn!
Tại vì mình có tội cho nên mình sẽ bị hình phạt. Bây giờ nếu mình được sạch tội, thì mình được cứu thoát khỏi hình phạt và được ở với Đức Chúa Trời trong Thiên quốc vinh hiển của Ngài.
Chỉ có một cách khiến cho chúng ta được sạch tội. Đó là theo lời Kinh Thánh dạy: “Huyết Đức Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội chúng ta.” (1 Giăng 1:7b). Kinh Thánh Khải huyền nói rõ, Đức Chúa Giê su là: “Ðấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta.” (Khải huyền 1:6a).
Vậy thì huyết Đức Chúa Giê-xu rửa được sạch tội cho chúng ta. Chúng ta phải tin Đức Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh chết trên thập giá là chết thay cho chúng ta, và Ngài đã sống lại, lấy huyết Ngài rửa sạch tội cho chúng ta. Đây là ân điển lớn lao mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, để chúng ta nhờ đó mà được cứu. Đã tin như vậy thì chúng ta cần cầu xin Đức Chúa Giê-xu lấy huyết báu của Ngài rửa tội cho chúng ta. Chúng ta có thể cầu nguyện như sau:
“Kính lạy Đức Chúa Giê-xu, con là người có tội. Con tin Chúa đã chết thay cho con trên thập giá. Con cầu xin Chúa Giê su lấy huyết của Ngài đã đổ ra trên thập giá rửa tội cho con. Con cám ơn Ngài. Con cầu xin trong Danh Đức Chúa Giê-xu Christ. A-men.”
Khi Bạn đã tin nhận Đức Chúa Giê-xu và cầu nguyện với Ngài, tội lỗi của Bạn đã được tha và Bạn được Đức Chúa Trời tiếp nhận làm con cái yêu dấu của Ngài.
            Cầu xin Chúa ở cùng và ban phước cho Bạn luôn. 

Thế nào gọi là tội lỗi?

Tội lỗi như là: “Gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.” (Kinh Thánh, Ga-la-ti 5:19-21). Và “họ đã đổi vinh hiển của Ðức Chúa Trời không hề hư nát, để lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.... họ kính thờ và hầu việc những loài chịu dựng nên, thế cho Ðấng dựng nên.” (Kinh Thánh, Rô-ma 1:21-25). Họ thờ con cọp, con rắn, thờ người nầy, người kia do Ðức Chúa Trời dựng nên, mà lại không thờ Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên mọi loài.
       Sự thật, mọi người đều biết rằng: “Nhơn vô thập toàn.” Làm người ai cũng phải tự nhận rằng mình không trọn vẹn, có nhiều lỗi lầm, tội lỗi.
Kinh Thánh chép: Nếu “chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình.” (Kinh Thánh, I Giăng 1: 8). Vì “mọi người đều đã phạm tội.” (Kinh Thánh, Rô-ma 3:23).
Tội lớn nhất là không thờ phượng Đấng Tạo Hóa của mình theo ý của Ngài, mà lại đi thờ một đối tượng khác. Xin nhớ đối tượng nào khác dù là một người vĩ đại tới đâu thì đó cũng chỉ là một con người mà thôi.
Hậu quả cho người phạm tội là: “Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời” (2 Tê sa lô ni ca 1:9).


Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Giống như người giả hình.

Đọc Kinh Thánh Ê phê sô 2:1-10.
Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, vì yêu chúng ta bằng tình yêu cao cả...
đã khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ. (Ê-phê-sô 2:4-5).

                 Mục sư Ray Stedman kể chuyện một thanh niên ngưng đi nhà thờ nơi Ms Ray quản nhiệm. Thanh niên này nói, trong lúc làm việc, đôi khi anh nổi giận và cư xử tệ bạc với bạn cùng làm việc. Rồi tới ngày Chúa Nhựt, anh không muốn đi nhà thờ vì thấy mình giống như kẻ giả hình.
           Mục sư Stedman nói với anh bạn trẻ, "Giả hình là người hành động khác với bản chất thật của mình. Khi anh tới nhà thờ, anh cư xử như Cơ Đốc nhân. Lúc ở nhà thờ anh không phải là người giả hình." Bây giờ chàng thanh niên này nhận ra mình giả hình là thể nào. Anh nhận biết giải đáp của vấn đề không phải là tránh né nhà thờ mà là thay đổi cách cư xử lúc anh làm việc.
            Từ giả hình mang gốc Hy văn, có nghĩa "diễn viên đóng kịch." Nghĩa là chúng ta giả vờ, khác với bản chất của mình. Đôi khi chúng ta quên bản chất thật của mình là tín nhân của Chúa Giê-xu. Chúng ta quên rằng mình chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời. Khi làm như vậy, chúng ta sống theo cách mình "đã từng sống" ngày trước (Ê-phê-sô 2:2) và như vậy là giả hình.
            Xin chúng ta đừng để cho lối sống cũ khiến mình cư xử không đúng với bản chất của mình. Ngược lại, nhờ ân sủng Đức Chúa Trời, chúng ta hãy sống theo cách chứng tỏ mình "cùng sống với Đấng Christ" (c.5). Đó là phương thuốc bảo đảm chữa trị bịnh giả hình. - Dave Branon


Không Còn Tranh Chiến

Đọc Kinh Thánh Khải huyền 21:1-4.
“Đức Chúa Trời sẽ lau ráo nước mắt trên mắt họ.” (Khải huyền 21:4).

            Fay Weldon vượt qua một kinh nghiệm mà chị nghĩ là suýt chết, vào năm 2006, khi tim chị ngưng đập do dị ứng. Chị kể lại kinh nghiệm này cho Elizabeth Grice của London Daily Telegraph. Chị nói, một "sinh vật kinh khủng" tìm cách kéo chị qua các cổng thiên đường, trong khi các bác sĩ thì tìm cách kéo giữ chị lại. Sau này, chị nói, "Nếu đó là hấp hối, thì tôi không muốn lặp lại như vậy." "Chỉ là sự lặp lại y hệt thôi. Cứ tranh chiến mãi."
             Thường tiến trình hấp hối là cuộc tranh chiến. Nhưng tự thân cái chết thì tín hữu trong Đấng Christ chẳng cần phải sợ, vì sự chết đưa chúng ta về thiên đàng. Trong Khải Huyền Giăng mô tả thật tuyệt vời cõi đời đời với Đức Chúa Trời (21:1-4). Ông nhìn thấy Giê-ru-sa-lem Mới từ trời xuống. Thành Giê-ru-sa-lem là dấu hiệu thuộc thể về dân sự Đức Chúa Trời và được mô tả là nơi Đức Chúa Trời ngự (Thi Thiên 76:2). Giê-ru-sa-lem Mới không do tay người xây nên. Đó sẽ là nơi Đức Chúa Trời ngự với dân sự Ngài đời đời, và sẽ là nơi không còn khổ đau, buồn rầu, và bịnh tật.
           Chúng ta không biết nhiều về cõi đời đời, nhưng chúng ta biết rằng đối với Cơ Đốc nhân, dù hiện tại có phải tranh chiến tình cảm hay thể xác ra sao, thì rồi cũng sẽ chấm dứt. Cuộc sống với Đức Chúa Trời sẽ tươi đẹp hơn biết bao nhiêu! - Marvin William.

Niềm vui trên thiên đàng sẽ vượt xa sự gian nan trên đất.