Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Việc Tốt và Việc Xấu

Một người đàn bà nướng bánh mì cho gia đình mình và làm dư ra một cái để cho người nghèo đói.

Bà để ổ bánh mì dư trên thành cửa sổ bên ngoài cho người nghèo nào đó đi qua dễ lấy.  Hàng ngày, có một người gù lưng đến lấy ổ bánh mì. 

Thay vì nói lời cám ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời sau đây:  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác.  
Mỗi ngày, người gù lưng đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu :  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Người đàn bà rất bực bội.  
Bà thầm nghĩ, "Không một lời cám ơn, ngày nào người gù này cũng đến lấy bánh ta làm rồi lải nhải giai điệu khó chịu ấy!  
Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”

Một ngày kia, không chịu được nữa, bà quyết định cho người gù đi khuất mắt.  
Bà tự nhủ, “Ta sẽ làm cho hắn mất dạng.” 
Và bà đã làm gì ?   Bà cho thuốc độc vào ổ bánh mì dư bà làm cho người gù !  
Khi bà sắp sửa bỏ ổ bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, đôi tay bà bỗng run lên.

Bà hốt hoảng,  “Ta làm gì thế này?”  
Ngay lập tức, bà ném ổ bánh có thuốc độc vào lửa và vội làm một cái bánh mì ngon lành khác rồi đem để lên thành cửa sổ.

Như mọi khi, người gù lưng đến, ông ta lấy bánh và lại lẩm bẩm:  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người.” 

 Ông ta cầm ổ bánh đi cách vui vẻ mà không biết rằng trong lòng người đàn bà đang có một trận chiến giận dữ.

Mỗi ngày, khi người đàn bà đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà đều cầu nguyện cho đứa con trai đi xa tìm việc làm.  
Đã nhiều tháng qua, bà không nhận được tin tức gì của con.  
Bà cầu nguyện cho con trở về nhà bình an.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa.  
Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa.  
Anh ta gầy xọp đi. Quần áo anh rách rưới đến thảm hại.  Anh ta đói lả và mệt.  

Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:  
“Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường.  Nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon.  Khi đưa bánh cho con, ông ta nói:  “Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”

Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc.  
Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã.  
Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay.  
Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết !

Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói có ý nghĩa đặc biệt của người gù lưng:  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Lạy Chúa,
Xin hãy gia ơn để chúng con biết luôn luôn làm việc tốt
và không ngừng làm việc tốt,
ngay cả khi việc tốt chúng con làm không được ai biết đến.
Amen.

(Sưu tầm)



Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

KHÔNG THỎA LÒNG

          Người kia đi đường, gặp một em bé đứng khóc. Hỏi ra mới biết em đánh mất 5 đồng, tiền của em dành dụm bấy lâu. Ông cảm thấy thương hại, an ủi vỗ về em, rồi lấy trong ví cho em lại số tiền đã mất. Em bé mừng rỡ cám ơn ríu rít. Rồi bỗng như suy nghĩ điều gì, lại òa lên khóc nữa. Ông khách đã bước được mấy bước, nghe em khóc, vội quay lại, lấy làm lạ, gạn hỏi, em càng khóc thảm thiết hơn. Lòng ông khách bối rối, chẳng biết mình đã làm điều gì không đúng! - Khi đã bĩnh tình, em thưa: “Cháu tiếc quá mà khóc, nếu không làm mất 5 đồng kia, thì bây giờ cháu đã có được 10 đồng rồi!”
          Người ta thường không bao giờ hài lòng với hiện tại. Trong một số lãnh vực thì như thế là tốt, chẳng hạn không thỏa lòng về học vấn, về đức hạnh, về kiến thức v.v…. Nhưng trong lãnh vực vật chất thì cần phải có tinh thần của sự thỏa lòng. Người ta hay tiếc nuối về những gì không thể cải thiện được, hoặc ước ao những gì không bao giờ thực hiện được. Nuôi dưỡng ước vọng là điều tốt, nếu đó là những ước vọng đúng đắn, nhưng nuôi dưỡng ước vọng để bất mãn với hiện tại, đau khổ, chán chường và chối bỏ những niềm vui trước mắt, thì thật là sai lầm. Không thỏa lòng đồng nghĩa với sự vô ơn đối với những gì Chúa đã dành cho chúng ta.
          Erskine Mason nói: “Nếu một người không thỏa lòng tình trạng hiện tại của mình, cũng sẽ không thỏa lòng khi ở trong tình trạng sắp tới.” Và như thế, con người mãi lao về phía trước, đuổi theo để tìm kiếm một cái gì đó mà họ sẽ không bao giờ nhận được, vì họ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì đang có. Hãy chấp nhận hiện tại và nhìn thấy trong đó ân phước của Đức Chúa Trời dành cho bạn. Có thể bạn không hài lòng lắm với tình trạng ấy, nhưng Chúa có kế hoạch của Ngài cho cuộc đời bạn, nó chính là môi trường Ngài rèn luyện đức tính thỏa lòng của bạn. Kinh thánh dạy: "… sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn" (1 Ti mô thê 6:6).
 
“…Miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa và sự cám dỗ." (1 Ti mô thê 6:8-9a).

(Sưu tầm)

THIỆT MẠNG VÌ HIỂU LẦM

         Hôm 7-9-1993, sở cảnh sát Los Angeles cho biết anh Bernard Vasquez, 29 tuổi, đã cứu được 3 phụ nữ Việt Nam bị kẹt trong chiếc Toyota của họ nằm trên đường ray lúc xe lửa sắp chạy tới, còn phụ nữ thứ tư thì không cứu được. Chiếc xe bị lật nằm ngang, họ kêu cứu, nhưng khi nhìn thấy anh Vasquez với dáng vẻ hung hãn chạy lại tìm cách mở cửa xe, thì các phụ nữ không chịu để anh kéo ra, họ tưởng anh là kẻ cướp. Anh phải đập cửa kính xe, nắm tóc họ và lôi qua cửa sổ xe. Đó là bà Jenny Dương, đứa con gái 10 tuổi của bà, và người bạn gái tên Chuyên Nguyễn. Anh Vasquez đã kéo được 3 người, đến mẹ của bà Jenny vì không hiểu tiếng Anh, nên cự tuyệt không chịu ra khỏi xe. Chiếc xe lửa của công ty Southern Pacific chạy trờ tới, hất nhào chiếc xe hơi và kéo nó một đoạn 60 mét. Chiếc xe hơi bốc cháy, người ta không có cách nào để cứu bà cụ được, bà tưởng người cấp cứu là kẻ cướp và từ chối không nghe lời anh ta, nên đã thiệt mạng. Tai nạn xảy ra vì sự bất đồng ngôn ngữ.
                Kinh Thánh đang cảnh báo con người về những chuyển biến quan trọng trước ngày tận thế. Về sự chấm dứt vĩnh viễn của thế giới tội lỗi nầy, và những ai không tách mình khỏi thế gian sẽ bị đốt cháy cùng với nó khi vinh quang của Chúa trở thành ngọn lửa hủy diệt! Thế nhưng có quá nhiều người không biết ngôn ngữ của Kinh Thánh, họ tưởng Kinh Thánh chỉ bàn luận về những việc xa xưa của người Do Thái cổ, hoặc lịch sử hình thành của cư dân khu vực Trung Đông! - Thời đại nầy, người ta biết nhiều ngôn ngữ của máy điện toán, của mạng toàn cầu, ngôn ngữ của kinh doanh, của chính trị, còn ngôn ngữ của Kinh Thánh, thật khó hiểu quá! Những chàng rể của Lót khi được kêu gọi rời khỏi Sô-đôm và Gô-mô-rơ để tránh sự hủy diệt bằng lửa và diêm sinh, họ đã không hiểu Lót muốn nói gì! Và khi những tia lửa đầu tiên từ trời khởi sự rơi xuống, bấy giờ họ mới nghiệm lại và hiểu ra, nhưng đã quá muộn.

"Lót bèn đi ra và nói cùng rể đã cưới con gái mình rằng: Hãy chỗi dậy đi ra khỏi chốn nầy, vì Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt thành. Nhưng các chàng rể tưởng người nói chơi." (Sáng thế ký 19:14).

(Sưu tầm)

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

LỜI CHÂN THÀNH

LỜI CHÂN THÀNH
(Có xuất bản thành sách nhỏ và có ghi âm vào CD, cùng tựa bài) Quý vị có thể download lời đọc (audio file) ở link sau đây: http://www.mediafire.com/?dpxpwn991wtkq 

Đây là quyển sách nhỏ chứng đạo, trong quyển nầy có những bài ngắn nói về: 
 
- Con người 
- Sự thờ phượng được Đức Chúa Trời chấp nhận
- Hiếu kính Ông Bà Cha Mẹ
- Vô Thường
- Nói nhỏ

LỜI NÓI ĐẦU

Kính thưa Quý vị,
                Chúng ta thường hay đọc những bài viết và mong đọc được những bài viết chân thành để thì giờ của chúng ta không vô ích. Hôm nay tôi kính mời Quý vị đọc những bài viết ngắn sau đây, không những là những lời chân thành mà còn có những lời chân thật được trích trong Thánh Kinh.
                Kính chúc Quý vị có được niềm vui khi đọc những bài viết nầy và nhất là Quý vị sẽ nhận thấy được tình yêu cao quý Ðức Chúa Trời đang dành cho Quý vị.
Mục sư Trần Hữu Thành.
msthanh18@hotmail.com


CON NGƯỜI
              Chúng tôi gọi Ông Trời là Ðức Chúa Trời. Thiên sanh nhơn. Ông Trời sanh ra loài người. Ðây là niềm tin sâu kín trong lòng của mỗi chúng ta. Khi chúng ta thấy một em bé được sanh ra rất đẹp, nếu chúng ta hỏi cha mẹ của nó để biết tại sao con họ đẹp? Cha mẹ nó phải trả lời rằng: “Nhờ Trời cho.” Hơn nữa, “cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh.”
           Ðức Chúa Trời sáng tạo ra vạn vật. Trong vạn vật, con người là khôn ngoan hơn cả. Nếu so về sức mạnh thì con người yếu đuối hơn nhiều sinh vật khác như con voi, con cọp, sư  tử v.v... Nếu so sánh với những tạo vật khác như trái đất, sông, núi, biển, hồ, mặt trời, mặt trăng v.v... thì con người quá nhỏ bé. Dầu cho con người nhỏ bé, nhưng lại có khả năng chế ngự các loài thú và khai thác đất đai, sông, núi, biển và kể cả những nguồn năng lượng hữu ích của mặt trời để phục vụ cho con người. Nhìn vào nền khoa học kỹ thuật ngày nay, người ta phải thán phục mà nói rằng: “Con người quá khôn ngoan!” Tại sao con người khôn ngoan như vậy và thân xác con người được tạo dựng nên bằng những chất gì?
                Nếu hỏi thân xác con người đã được tạo nên bằng những chất gì thì Thánh Kinh cho chúng ta biết, Ðức Chúa Trời đã phán rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người theo như hình ta và tượng ta” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 1:26). Ðoạn “Ðức Chúa Trời lấy bụi đất nắn lên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì loài người trở nên một loài sanh linh.” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 2:7).
                Như vậy thân xác loài người chỉ là bụi đất. Thật vậy, ngày nay, khoa học đã khám phá rằng trong thân thể chúng ta có nhiều nước và những khoáng chất. Số khoáng chất có trong thân thể con người khoảng chừng 11kg carbon, 4kg nitro, một ít phốt-pho, sulpha, sắt, i-ốt, calcium... Những chất nào có trong đất thì có trong thân xác của chúng ta.
                Nhưng nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy thân xác của những loài thú ngoài đồng và những gia súc cũng được cấu tạo giống như thân xác loài người. Chúng cũng có thịt, có xương, có máu... Khi chết, loài thú cũng như loài người, thân xác đều trở về với bụi đất, y như Ðức Chúa Trời phán với loài người rằng: “Ngươi sẽ trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 3:19).
                Thánh kinh cũng có đề cập đến việc khởi nguyên của các loài thú như sau: “Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Ðất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy.” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 1:24). Thế thì mặc dù các loài thú cũng được tạo dựng từ bụi đất, nhưng chúng được trở nên sinh vật bởi Lời phán của Ðức Chúa Trời; trong khi đó loài người có được sự sống là bởi hơi thở của Ngài. Vậy thì Ðức Chúa Trời là Nguồn Sống của chúng ta. Chính Ngài đã chia xẻ sự sống của Ngài cho chúng ta. Ðây là lý do loài người có đời sống khôn ngoan và cao quý hơn loài vật.
                Khi chúng ta biết được rằng chính Ðức Chúa Trời là Ðấng tạo dựng chúng ta thì với lòng biết ơn, chúng ta chỉ nên tôn thờ Ðức Chúa Trời, vì chính Ngài là Ðấng Tạo Hóa của chúng ta, và chính Ngài cũng là Ðấng đang bảo dưỡng chúng ta.
           Có thể một vài người trong số chúng ta trả lời rằng: “Vâng, tôi đang tôn thờ Ðức Chúa Trời, tôi đang thờ Trời.” Nhưng chúng ta đang tôn thờ Ngài như cách nào? Có đúng với sự chỉ dạy của Ngài không?

 
CẢM TẠ
Chúa nhân ái, xin muôn vàn cảm tạ
Dắt dìu con vượt biển cả, rừng sâu,
Ðường gian lao xa tít quả địa cầu
Ngài giữ gìn từng phút giây ly loạn.
Bao giông tố phũ phàng thân di tản
Ngài là nơi nương náu khỏi buồn lo
Chúa ban cho áo ấm với cơm no
Vui sống đạo trong cuộc đời đơn giản.
Có những phút suy tư về dĩ vãng
Trải nhiều năm qua cũng xứ sở nầy
Những đoàn người khai quốc mới vào đây
Chưa ráo bước đã gặp bao nghịch cảnh
Ðấng Nhơn từ đã xẻ chia ấm lạnh
Và gia ân việc sản xuất cấy cầy
Hoa quả đầu mùa họ góp lại ngay
Cùng dâng lễ để  tạ ơn Thiên Thượng
Nay lưu lạc nhưng con hằng nhớ tưởng
Ðược Chúa cho thỏa hưởng bấy phước lành
Nguyện làm sao Chúa Cứu Thế vinh Danh
Tinh thần đó nói lên lời cảm tạ.
                                                                               Thi Thiên.

*****************************************

SỰ THỜ PHƯỢNG
ÐƯỢC ÐỨC CHÚA TRỜI CHẤP NHẬN

                Ông Trời là Nguồn Sống của con người. Chúng ta có sự sống nhờ Trời ban. Cho nên đối với Ông Trời, thì tất cả chúng ta đều kính trọng Ngài. Ít có ai dám buông lời vô lễ với Trời vì sợ “Trời tru đất diệt.” Chúng ta không dám làm những việc thất đức, vì sợ “Trời cao có mắt.” Là con cái, chúng ta không dám ngang nghịch với cha mẹ, vì sợ “Trời trồng.”  Dù cẩn thận như vậy, nhưng phải thành thật mà thú nhận rằng đối với Ông Trời tức là Ðức Chúa Trời thánh khiết, tất cả chúng ta đều là những người bất toàn. Không ai dám tự cho mình là một người hoàn hảo. Người xưa cũng thấy như vậy, nên đã xác nhận rằng “nhơn vô thập toàn.”
                 Dù sống trong sự bất toàn của mình, con người vẫn ý thức được sự cần thiết phải tôn thờ Ông Trời, vì Ngài là Ðấng Bề-Trên của mình. Do đó người ta đã tìm nhiều cách để thờ phượng Ông Trời. Tùy theo trình độ văn minh, mỗi dân tộc có những cách thờ phượng riêng. Thông thường, chúng ta thờ phượng theo những phương cách “chúng ta cho là đúng.” Nhưng sự thật thì sự thờ phượng Ông Trời là mong được Ông Trời đẹp lòng và cần phải được “chính Ngài cho là đúng.” Cũng như một thí sinh làm bài thi, cần phải được vị “Giám khảo cho là đúng” mới được chấm đậu. Muốn thờ phượng Ông Trời tức là Ðức Chúa Trời theo cách mà “Ngài cho là đúng” và đẹp lòng, chúng ta phải biết sự liên hệ thật sự giữa Ðức Chúa Trời và chúng ta như thế nào? Ơn mà chúng ta đã và đang nhận từ nơi Ðức Chúa Trời to lớn, cao quý đến đâu? Có như vậy lòng tôn kính và sự tôn thờ Ðức Chúa Trời của chúng ta mới đúng.
                Sự thật, nơi sâu thẳm trong lòng của chúng ta đều nhận rằng mình được “Trời sanh Trời dưỡng.” Nghĩa là Ðức Chúa Trời không những là Ðấng Tạo Hóa của chúng ta, mà Ngài còn là Thiên Phụ của chúng ta. Ðối với Thiên Phụ, tức là Cha trên trời, chúng ta nên hiếu thảo cũng như đối với cha ở trên đất. Nếu không thì tội rất nặng. Vì: “Ðiều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Ðiều cực ác là bất hiếu vậy.”[1]
                Nhưng tiếc thay, thường thì chúng ta chỉ nhớ Ðức Chúa Trời là Ông Trời Cao nghiêm khắc mà quên rằng Ngài là Thiên Phụ Từ Ái của chính  mình. Tình Phụ-tử  thiêng liêng này đã bị đánh mất từ khi loài người phạm tội.
                Bởi tội lỗi, những tâm niệm từ tấm lòng của chúng ta đã trở nên tà chớ không còn là chánh nữa. Mà “tà niệm như mây che chẳng thấy trời; đã khởi lòng ác làm gì thấy Ðạo?”[2]    Do đó, chúng ta không thể đáp ứng được những điều cần thiết phải có trong sự  thờ phượng Ðức Chúa Trời.
                Kinh Thánh dạy rõ về trường hợp những người bất toàn mà tôn thờ và cầu khẩn Ðức Chúa Trời thì kết quả như tiên tri Ê sai đã nói: “Tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Kinh Thánh, Ê sai 59:2). 
                Khi mà sự thông công mật thiết trong tình Cha-con với Thiên Phụ của chúng ta chưa được lập lại thì sự thờ phượng của chúng ta làm sao được Thiên Phụ vui lòng? Một người con không thể nào ăn ở đẹp lòng Cha mình, khi người con này đến với Cha nhưng không chịu nhận người Cha là Cha của mình. Cho nên, chúng ta phải tìm lại cho được sự thông công như “Cha và con” với Thiên Phụ của chúng ta. Ðây là điểm chính yếu, để chúng ta tôn thờ Ðức Chúa Trời, và như vậy mới được Ngài vui lòng.
                Làm sao để chúng ta có lại được tình Cha-con với Ðức Chúa Trời? Có một phương cách duy nhất mà Thánh Kinh đã chỉ rõ ràng cho chúng ta. Ðó là chúng ta hãy tin nhận Ngôi Hai Ðức Chúa Trời tức là Ðức Chúa Giê-su làm cứu Chúa của chính mình. Vì “Những ai đón nhận Ngài thì Ngài ban cho họ quyền làm con Ðức Chúa Trời, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài.” (Phúc Âm Giăng 1:12. Bn dch L.M. Nguyn thế Thun).
                Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế cho chính mình, thì Ðức Chúa Trời sẽ tha thứ những bất toàn, lỗi lầm của chúng ta. Ðức Chúa Trời cho chúng ta được phục hồi địa vị làm con của Ngài. Ðây là điều kỳ diệu được thực hiện bởi ân sủng tình yêu cao cả của Ðức Chúa Trời mà tự ý Ngài ban cho chúng ta.
                Sau khi đã được phục hồi địa vị làm con của Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng: “Ðức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Kinh thánh  Giăng 4:24).
                Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng sự thờ phượng Ðức Chúa Trời, theo cách dạy của Thánh Kinh là do sự tôn kính và lòng biết ơn Ðức Chúa Trời, ở trong tâm hồn của mỗi chúng ta qua Thánh Linh của Chúa Cứu Thế Giê-su.
               Quý vị đang tôn thờ Ðức Chúa Trời bằng cách nào? Có được đẹp lòng Ngài không?
                Xin hãy tôn thờ Ðức Chúa Trời Hằng Hữu của chúng ta qua sự dẫn dắt của Chúa Cứu Thế Giê-su. Ðức Chúa Trời đang dang rộng vòng tay để đón chờ Quý vị trở lại trong tình yêu cao quý của Ngài.

PHÚT SUY TƯ:
                - Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?  
                                                          Lời Chúa Cứu Thế Giê su.
                   
                 - Ðối với một người có lòng tin, thì sự tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus đem họ vào vương quốc ân sủng, và cái chết đem họ vào vương quốc vinh hiển.                                R. Baxter.
 
KÍP QUAY VỀ
*******
Xin đừng khóc cho mưa nguồn, suối đổ,
Xin đừng buồn cho chỉ thắm hoen mi.
Xin đừng than rừng sầu thêm lá nhớ,
Xin đừng say hiện thực cũng là mơ.
Gió len lén thổi vào hồn băng tuyết,
Nước mưa nguồn dội sạch hết đau thương.
Qua kẽ lá, ánh dương hồn tha thiết,
Chiếu ngập tràn gương mặt kẻ phong sương.
Xen cành lá, đóa hồng nhung rực rỡ
Tay run run, mắt rộng mở dâng Ngài.
Cánh bướm lượn giữa khung trời tươi mới,
Ngàn yêu thương, Thiên Chúa ngự trên ngôi.
Chúa vẫn đứng, vẫn chờ và vẫn đợi:
Tay luôn dang, mỏi mắt ngóng ai về
Lời tha thiết, trái tim hồng nức nở
Kíp quay về, thôi lạc nẻo đường quê!
                                                                            Trần Hữu Lý.

********************************


HIẾU KÍNH ÔNG BÀ, CHA MẸ

                Từ khi còn nhỏ, mỗi người Việt Nam đều được học nhiều điều. Trong nhiều điều đó, có một điều quan trọng không thể thiếu được, đó là học hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ. Trong chúng ta, không ai chịu được cảnh:
                                "Nhà kia lỗi đạo, con khinh bố." (Tú Xương).
                Nếu nói về ơn nghĩa trên đời thì ơn Cha, nghĩa Mẹ là điều mà ai cũng nhận thấy. Thật rõ ràng:
                                "Công Cha như núi Thái Sơn,
               Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra." (Ca dao).
                Vì "nương nhờ ơn nuôi dưỡng của hai vị Từ-phụ và Bi-mẫu cho nên tất cả các con trai, gái đều được an vui. Thế là ơn cha cao như núi  chúa, ơn mẹ sâu như bể cả."[3]    Câu kinh này nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ rằng công Cha thật to lớn và nghĩa Mẹ thật bao la. Người xưa có nói: "Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phụ mẫu sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hiệu thiên, võng cực."[4]   (Xin dịch là: Cha đã sanh ta, mẹ đã nuôi ta. Thương thay Cha mẹ sinh ta khó nhọc. Muốn báo ơn sâu trời cao chẳng dứt). Cho nên, nếu ai "ngỗ nghịch bất hiếu, Trời đất nào dung cho."[5]   Ðiều quan trọng, mà một người con không thể quên là: “Làm con trước phải đền ơn sanh thành." (Nguyễn Du).
                Trong Kinh Thánh, Xuất Ê díp tô ký 20:1-17 có ghi Mười điều răn của Chúa như sau:
 I.   Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
II.  Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó.
III.  Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Ðức Giê-hô-va chẳng kể là vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.
IV.  Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.
V.  Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.
VI.  Ngươi chớ giết người.
VII.  Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
VIII.  Ngươi chớ trộm cướp.
IX. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
X. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.
                Trong Mười điều răn đó thì điều răn Thứ Nhất đến Thứ Tư nói đến bổn phận của con người đối với Ðức Chúa Trời; còn điều răn Thứ Năm đến điều răn Thứ Mười dạy về bổn phận con người đối với con người. “Con người” đầu tiên được nhắc đến là Cha Mẹ. Ðức Chúa Trời dạy mỗi người phải hiếu kính Cha Mẹ. Cho nên là những người con của Chúa, vâng theo Lời dạy của Ðức Chúa Trời, chúng tôi phải hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ. Nhưng tại sao chúng tôi không làm bàn thờ, không cầu khẩn, không cúng cho Ông Bà, Cha Mẹ, khi Ông Bà, Cha Mẹ đã qua đời?

A.- Việc thờ Ông Bà Cha Mẹ:
                Nếu thờ, thì chúng tôi không thể thờ hết tất cả Ông Bà, Cha Mẹ, Tổ tiên. Ví dụ, chúng tôi thờ Cha, Ông Nội, Ông Cố, Ông Sơ..., thế còn mười, hoặc hai ba chục đời bên trên, và cao hơn nữa.... thì sao? Không ai biết bên trên mình có bao nhiêu đời. Nhưng chúng tôi biết rằng Ðấng Tạo Hóa là Ðức Chúa Trời đã tạo dựng Tổ tiên chúng tôi. Chúng tôi tôn thờ Ngài. Ngài bao gồm tất cả Cha Mẹ, Ông Bà, Tổ tiên của chúng tôi.
                Mỗi chúng ta phải có hiếu với Bậc sanh thành. Bậc sanh thành lớn nhất của chúng ta là Ðấng Tạo Hóa. Vì vậy, mỗi chúng ta phải tôn thờ Ngài. Nếu không tôn thờ Ngài chúng ta mang tội bất hiếu với Ngài.

B.- Việc cầu khẩn với Cha Mẹ, Ông Bà.
             Ông Bà, Cha Mẹ lúc nào cũng yêu thương con cháu. Nhưng Ông Bà, Cha Mẹ là loài người, không có quyền năng “ban phước hay giáng họa” ngay lúc còn sống cũng như sau khi qua đời. Vì nếu có quyền “ban phước hay giáng họa” thì tất cả con cháu của Ông Bà, Cha Mẹ đều xinh đẹp, đỗ đạt giàu sang. Nhưng thật ra, họa và phước ở trong tay Ðức Chúa Trời là Ðấng đã phán: "Chính Ta  là Ðấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự bình an và dựng nên sự tai họa." (Kinh Thánh, Ê-sai 45:7). Vì vậy, chúng tôi chỉ cầu khẩn với Ðức Chúa Trời. Ngài là Ðấng Toàn năng và cũng là Ðấøng Toàn quyền định đoạt mọi sự.

C.- Việc cúng tế cho Ông Bà, Cha Mẹ.
                Chúng tôi tin rằng Ông Bà, Cha Mẹ sau khi qua đời không thể ăn uống được. Sách Minh Tâm Bảo giám có chép: "Trước linh sàng cúng vái, đâu sống lại ăn được."[6]  Vì vậy chúng tôi không cúng tế cho Ông Bà, Cha Mẹ.

D.- Việc nhắc nhở về Ông Bà Cha Mẹ.
                Còn việc nhắc nhở ngày Ông Bà, Cha Mẹ qua đời: Việc này tốt. Ðến ngày kỷ niệm Ông Bà, Cha Mẹ qua đời, chúng tôi có thể mời những người thân, bạn hữu đến dùng bữa cơm thân mật. Trong dịp này, chúng tôi nhắc lại những công đức và những gương tốt của Ông Bà, Cha Mẹ lúc còn sống, để chúng tôi và con cháu noi theo.
                Ðức Chúa Trời dạy chúng tôi phải hiếu kính và vâng lời Ông Bà, Cha Mẹ. Việc này phải được vâng giữ mỗi ngày, và kéo  dài  suốt  cả  đời  của chúng tôi. Khi Ông Bà Cha Mẹ còn sống, chúng tôi hết lòng phụng dưỡng Ông Bà Cha Mẹ như lo cơm ăn, áo mặc, thuốc than và vâng lời Ông Bà Cha Mẹ theo sự dạy dỗ của Chúa để Ông Bà Cha Mẹ vui lòng. Khi Ông Bà Cha Mẹ qua đời, chúng tôi lo tang chế và mồ mả Ông Bà Cha Mẹ với tất cả khả năng có thể được của chúng tôi.
                Là con dân của Chúa, chúng tôi bày tỏ lòng hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ theo sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh. Trong Ngài không những chúng tôi khỏi bị đoán phạt nhờ sự cứu rỗi của Ngài, mà còn được Ngài chỉ dạy cách tôn thờ Ðức Chúa Trời và hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ đúng theo ý Chúa như Thánh Kinh đã dạy. Chúng tôi nếm trãi điều này thật phước hạnh và tốt lành.


KHÓC PHỤ THÂN
******
Chiều nay ai tín bay về
Cha tôi ơi hỡi! đã lìa trần gian
Mười năm khổ hận ly tan
Ðoàn viên mộng ấy khăn tang liệm rồi
Cõi người mây nước mù khơi
Cõi lòng tắt lửa mặt trời Mùa Ðông
Rưng rưng mắt ướt ngùi trông
Dậm về khuất lấp cuồng phong ngút ngàn
Ðất quê một nắm xương tàn
Cha ơi con đã chẳng lần được thăm!
Ôi đời sao lắm oái oăm
Sinh ly tử biệt cho ngầm tim đau
Mẹ ơi! Mẹ bớt ưu sầu
Thiên đàng lại gặp, Chúa lau lệ buồn
Lời Kinh an ủi sớm hôm
Nguyện xin Chúa giúp vượt cơn thảm sầu.
                                                                                  Linh Cương.

******************************************

VÔ THƯỜNG

                Là người Việt Nam, phần đông chúng ta nếu không quá trẻ tuổi, đều có kinh nghiệm về những tang thương biến đổi. Sự vật quanh ta luôn luôn đổi thay.
                Có một triết gia đã nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông.” Thật vậy, vì sau khi tắm, nước trong dòng sông đã thay đổi.
             Sự đổi thay của vạn vật quanh ta được gọi là VÔ THƯỜNG, chữ này có thể định nghĩa như sau: “VÔ THƯỜNG là không thường, không mãi mãi ở trong một trạng thái nhất định; luôn luôn thay hình đổi dạng; đi từ trạng thái hình thành đến biến đi rồi tan rã ...” [7]
                VÔ THƯỜNG ảnh hưởng đến cả sự sống của chúng ta. Có gì là chắc chắn của mình đâu! Ngay cả thân xác này cũng vậy: “Ngày nay tồn tại, ngày mai khó bảo đảm.”[8]   Thấy đó rồi mất đó. Có những người bạn của mình, mới gặp vui vẻ vài tháng qua, nay nghe ra đã mất. Thật là:
            “Mảnh hình hài không, có, có, không!” (Cao Bá Quát).
          Thánh Kinh cho chúng ta biết: “Hư không của sự hư không, thảy đều hư không!” (Kinh Thánh, Truyn Ðo 1:2).
          Mọi sự vật đều đổi thay. Ðiều đổi thay lớn trong đời chúng ta là sự chết. Chúng ta nên để ý: “Trong bốn hiện tượng của vô thường: Sanh, già, bịnh và chết thì ‘chết’ là cái điều làm cho chúng sinh kinh hãi nhất.”[9]
           SỰ CHẾT đến với bất cứ  ai và nó đến bất cứ lúc nào! Chúng ta thấm thía vô cùng khi đọc câu kinh Lục-Ðộ-tập: “Mạng người sống, in như dắt trâu đến lò thịt: trâu đi một bước, thì một bước đến gần chỗ chết. Cũng như thế, người sống qua một ngày giống hệt như trâu nọ từng bước một đi đến lò chết.”[10]  Không ai có phương pháp nào để tránh được sự chết. Thánh Kinh cho biết: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu đoán xét.” (Kinh thánh, Hêbơrơ 9:27).
          Tất cả chúng ta đều bị vướng vào vòng VÔ THƯỜNG trong đó có SỰ CHẾT. Mỗi chúng ta dù giàu sang đến đâu, thì cũng sẽ đến chỗ tận cùng của cuộc đời, đó là SỰ CHẾT. Hơn nữa nó đến rất mau, như cụ Ðồ Chiểu đã ví:
                                “Người đời như bóng phù du,
             Sớm còn tối mất công phu lỡ làng!” (Lục Vân Tiên).
             Tại sao con người lâm vào cảnh đáng buồn như vậy?  Tại vì con người đã tự bước vào vòng khổ lụy. Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa đã tạo dựng con người. Ngài yêu họ. Ngay từ buổi khởi nguyên, Ðức Chúa Trời đã cho con người ở trong vườn Ðịa đàng phước hạnh. Hằng ngày loài người được thưa chuyện, thông công mật thiết với Ðức Chúa Trời là Nguồn Sống của mình. Nhưng tiếc thay, tổ tiên của nhân loại là Ông A Ðam đã bứt đứt sợi dây thông công quý báu này, vì nghe lời cám dỗ của kẻ phản loạn là Sa tan. Từ đó con người trôi dạt xa dần, xa mãi... xa... xa.. Ðức Chúa Trời. Ngài là “Ðấng Hằng Hữu” (Kinh Thánh, Xut-Ê-díp-tô-ký 3:14) và là “Ðấng Hằng Sống(Kinh Thánh, Giê-rê-mi 10:10), vì xa Ngài nên con người phải gặp những điều nghịch lại. Ðiều nghịch lại đó là VÔ THƯỜNG và SỰ CHẾT.
            Hoàn cảnh đã như vậïy, phải chăng chúng ta hoàn toàn thất vọng? Không! Vì Ðức Chúa Trời vẫn yêu thương chúng ta! Ngài phán cùng mỗi chúng ta rằng: “Ðàn bà há dễ quên cho con mình bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình ta cũng chẳng quên ngươi.” (Kinh Thánh, Ê sai 49:15).
            Tuyệt đỉnh tình yêu của Thương Ðế dành cho chúng ta được thể hiện qua Con Một của Ngài là “Ðấng Christ vì chúng ta mà chịu chết.” (Kinh thánh, Rô ma 5:8). Ðức Chúa Trời bằng lòng chấp nhận thập hình mà Chúa Cứu Thế Giê su đã hy sinh gánh chịu trên thập tự giá, là khổ hình thay thế cho chúng ta. Ðây là ân huệ lớn lao, mà lại là ân huệ bởi tình yêu cao cả của Ðức Chúa Trời, cho nên có thể một số người trong chúng ta khó hiểu thấu! Thánh Linh Ngài sẽ giảng giải cho chúng ta, khi chúng ta chấp nhận ân huệ của Ngài, tức là khi chúng ta nhận Chúa Giê su là Cứu Chúa của mình.
          Kính thưa quý vị, chúng tôi trở lại với Ðức Chúa Trời Hằng Hữu qua sự cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê su. Chúa Giê su đã ban cho chúng tôi đời sống tươi mới, vui thỏa trong ân sủng Ngài. Những điều phước hạnh huyền nhiệm trong Chúa Cứu Thế Giê su, chúng tôi không đủ lời tả hết cho Quý Vị. Giống như chúng tôi đang thưởng thức một trái cây thơm, mát, ngon ngọt từ miền đất Vạn Lành mà chúng tôi không thể diễn đạt hết hương vị của nó. Xin mời Quý Vị chấp nhận và nếm trải tình yêu cứu rỗi của Chúa Giê su để cùng với chúng tôi thưởng thức sự ngon ngọt tươi mát là dường nào trong Chúa Cứu Thế Giê su, vì Ngài đã đến để ban cho chiên của Ngài "được sống và sống sung mãn." (Kinh Thánh, Giăng 10:10b).
          Tạ ơn Chúa Cứu Thế Giê su, Ngài đã và đang dẫn dắt chúng tôi những bước đi vượt ra ngoài vòng VÔ THƯỜNG và SỰ CHẾT. Nếu được hỏi: muốn sống hay muốn chết? Chúng tôi trả lời muốn sống. Chúng tôi muốn sống để sống với gia đình, để nhắc nhở gia đình, thân quyến chúng tôi theo Chúa, và chúng tôi cũng muốn sống để chia xẻ ơn cứu rỗi của Ðức Chúa Giê su với Quý Vị là những Ðồng bào quý mến của chúng tôi. Nhưng khi nào Ðức Chúa Trời quyết định cho chúng tôi chết, thì chúng tôi không hề kinh hoàng SỰ CHẾT. Vì chúng tôi biết chắc chắn rằng: “Phước thay cho những người chết, là người chết trong Chúa.” (Kinh Thánh, Khi th 14:13). Khi chết, linh hồn chúng tôi được ở với Chúa; còn thể xác chúng tôi, dù trở thành cát bụi, thì Chúa Cứu Thế Giê su sẽ khiến cho “được sống lại trong ngày cuối cùng.” (Kinh Thánh Giăng 6:40). Lúc đó “Chúa sẽ biến hóa thân thể hư hoại của chúng tôi ra giống như thân thể vinh quang của Ngài.” (Kinh thánh, Phi Líp 3:21 BDY), rồi chúng tôi “sẽ được ở với Chúa luôn luôn.” (Kinh thánh, I Tê sa lô ni ca 4:17 BD  LM Nguyễn Thế Thuấn). Phước hạnh biết bao!
                Còn VÔ THƯỜNG thì sao? VÔ THƯỜNG cũng xảy đến với chúng tôi như nó xảy đến với mọi người khác. Nhưng trong Chúa Cứu Thế Giê su: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ðức Chúa Trời.” (Kinh thánh, Rô ma 8:28). Như vậy, khi sự VÔ THƯỜNG xảy đến, VÔ THƯỜNG sẽ trở nên là những  sự ích lợi cho chúng tôi. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai của chúng tôi. Nhưng chúng tôi biết chắc chắn tường tận là tương lai của chúng tôi đang ở trong tay Ðức Chúa Trời toàn năng, “là Ðấng ban cho sự bình an và làm nên điều tai họa” (Kinh Thánh, Ê sai 45:7), mà chính Ngài là Cha thương yêu chúng tôi là những con cái của Ngài. Cho nên chúng tôi thật hết sức an tâm!
           Ðức Chúa Trời đang thương yêu Quý Vị. Lời Ngài đang mời gọi Quý Vị rằng: “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.” (Kinh thánh I Phi e rơ 5:7). Xin Quý Vị đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ðức Chúa Trời. Khi Quý Vị ở trong vòng tay yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê su, Quý Vị không cần phải lo sợ VÔ THƯỜNG và cũng không cần phải kinh hoàng SỰ CHẾT.
           Là con của Chúa Cứu Thế Giê-su, chúng tôi được bình an và phước hạnh vô cùng! Kính mời Quý Vị tin nhận Ðức Chúa Giê-su để cùng hưởng phước với chúng tôi.

PHÚT SUY TƯ
               
                Ðức Chúa Trời phán cùng các con của Ngài rằng: “Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi.” (Kinh Thánh Ê sai 46:4).

                Kinh thánh, Sách Truyền Ðạo chép:   “Kẻ sống biết mình sẽ chết!” (Kinh Thánh Truyn Ðo 9:5).

Giải Thoát

Nhìn lại cuộc đời sống phù du,
Cõi trần lao khổ kiếp âm u
Sống trong vô vọng sầu trăm mối
Lay lắt như thuyền dưới gió Thu.

Mặt trời không rải nắng vàng tươi
Tội lỗi cưu mang nặng gánh đời
Hồn ta chết lịm trong khô héo
Trôi dạt mù tăm biệt hướng trời.

Không tiếng ca vui tự đáy lòng
Dặm đường nhân thế đậm hư vong
Bao nhiêu lá rụng vào tan tác
Lao não hoàng hôn tóc trắng bông.

Ðịnh mệnh đau thương chẳng dứt rời
Buồn thương tiếc hận lạnh chơi vơi
Kêu rên nghẹn tiếng trong sầu thảm
Ta giữa mù sương lạc lối rồi!

Nhưng.. Người đã đến vực hồn ta
Sanh Ðạo bừng lên giữa ác tà,
Ôi Chúa Giê-su đường cứu rỗi
Huyết hồng đã mở nở muôn hoa.

Chúa là hy vọng với tình thương
Ban lửa niềm tin rực sáng đường
Cuộc sống từ nay, ôi đáng sống
Gió lộng buồm căng nắng đại dương.

Không còn vất vưởng nẻo đường hoang
Theo gót Giê-su chẳng ngỡ ngàng
Thanh thoát hồn bay vùng Ðạo hạnh
Ta đón từ cao phước ngập tràn.

Tim nóng sôi lên bản nhạc mừng
Ðàn lòng hoan lạc vút cao cung
Thỏa lòng ta bước bên chân Chúa
Cuộc sống đau buồn đã cáo chung.
                                                                           Linh Cương.

*****************************


NÓI NHỎ

                Có một điều không ai thích, nên chúng ta chỉ nói nhỏ cho nhau nghe mà thôi. Ðiều đó là sự chết.
                Nói đến sự chết thì Hòa-thượng Thích Thanh Từ nói rằng: “Con người khủng khiếp, hãi hùng khi nghe tin mình sắp chết.”[11]   Theo Hòa Thượng Thích Thiện Hoa thì: “Con người sợ chết đến nỗi …nghe nói đến cái chết, thì sợ không dám nghĩ đến.”[12]   Cũng nói đến cái chết thì nhà văn Trần văn Thái viết: “Tử tội trước khi bị hành quyết, được cho ăn thịnh soạn gồm: Một dĩa thịt gà, một dĩa thịt heo, một dĩa trứng chiên, một ly rượu, một nồi cơm, một nải chuối tươi và vài điếu thuốc lá. Nhưng dù tử tội dù thèm khát tới đâu cũng không thể nào ăn được. Anh ta không thể nuốt vì sợ. Các bắp thịt co rút lại, cổ tắt nghẽn, thở còn muốn nghẹn, nói gì tới ăn.” [13]
          Sự chết quả thật là kinh hoàng cho mọi người. Tại sao vậy? Tại vì sự chết là bản án hình phạt của Ðức Chúa Trời tuyên phạt tội nhơn. Ngài đã phán cùng thủy tổ loài người là Ông A–đam rằng nếu chống lại mạng lịnh của Ngài thì “sẽ chết.” (Kinh Thánh Sáng thế ký  2:17). Nhưng tiếc thay, A đam đã chống trả lại mạng lịnh của Chúa. Nên Ông đã chết và tất cả chúng ta là con cháu của Ông cũng sẽ chết.
            Vậy  thì  chúng  ta  hoàn  toàn  tuyệt  vọng  phải không?  Không. Chúng ta không tuyệt vọng. Vì “do A đam mọi người đều bị kết án; (ngược lại) do sự công chính của Chúa Cứu Thế Giê-su, mọi người được trắng án và được sống vĩnh cửu.” (Kinh Thánh Rô ma 5:18 BDY).
            Ðến đây, xin kính mời Quý vị nghe lời chứng của một người con của Chúa là Bà Park, một cựu dân biểu Quốc Hội Triều tiên, khi đứng trước sự chết của mình, bà có thái độ như thế nào, có kinh hoàng không? Bà kể:
            Trong trận chiến, Bắc Triều tiên tấn công vào Seoul ở Miền Nam, họ đến nhanh quá đến nỗi hầu hết những khuôn mặt lãnh đạo chánh trị không có đủ thì giờ thoát thân. Tôi mặc một bộ đồ cũ giả dạng làm một bà già bán hàng rong. Nhưng không thoát được, tôi đã bị bắt…. Họ dẫn tôi đến cấp thẩm quyền của họ. Ông nầy kết án tôi và cho biết: “Sáng mai bà sẽ bị đem đi xử bắn.”
             Họ giam tôi trong một căn phòng tối om. Tâm trí tôi quay lại những cảnh tượng đã xảy ra trong đời tôi. Tôi tự nhủ: “Vậy thì hãy xem cuộc sống vinh hoa của đời mình đã xảy ra thế nào? Mình có đủ mọi thứ. Mình quen biết đủ hạng người. Nhưng đêm nay là đêm cuối cùng của đời mình. Ðiều gì sẽ xảy ra cho mình ngày mai?… Và tôi không dám nghĩ thêm nữa.
            Sáng hôm sau, một tên lính chừng 20 tuổi trói hai tay tôi và dẫn tôi qua một con đường hầm, lên các nấc thang và đi qua rồi bước lên con đường lớn. Dù ánh sáng ập vào mắt, bị chóa mắt, nhưng tôi vẫn có thể thấy được cây súng đen ngòm trên vai người lính. Cậu ta dẫn tôi qua được vài khu phố. Tôi thấy những hầm ẩn núp của những người lính chiến đấu vẫn còn đó.
           Nước mắt bỗng nhiên ràng rụa trên khuôn mặt tôi. Tôi bắt đầu nhớ lại những biến cố trong đời mình: Một phụ nữ Triều Tiên lãnh đạo một nhóm người chống lại người Nhật thì không phải là điều bình thường, và bị Nhật bắt giam. Sau đó tôi được thả ra tự do. Tôi đã tham gia chính trị và theo đuổi những bậc thang xã hội trong sanh hoạt chính trị của tôi.
           Tâm trí tôi lại quay cuồng với hình ảnh nhà thờ Tin Lành nhỏ bé của tôi. Tôi đã ngồi nghe những bài giảng chán nản, và thật sự, tôi chỉ ưa thích những bài thánh ca. Tôi nhớ mình thường buộc miệng hát thánh ca vào những lúc mình thấy cô đơn: ‘Ô! Giê-su Chúa ta là Bạn thật.’ Tôi hát thì thầm trong hơi thở của mình. Nước mắt tuông trào. Tôi cúi mặt xuống. Tôi nói với chính mình rằng: ‘Ngươi đã đi nhà thờ, nhưng chẳng bao giời chịu tiếp nhận Ðức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình.’ Lời nói nầy từ trong tâm trí và phát ra qua môi miệng tôi làm cho tôi cảm thấy đau đớn và thất vọng vô cùng!
            Tôi không biết bây giờ Ðức Chúa Giê-su có tha thứ cho tôi và tiếp nhận tôi không? Tập trung tất cả ý lực, tôi nói: “Lạy Ðức Chúa Giê-su vài phút nữa con sẽ chết. Con là người đàn bà tội lỗi, con không xứng đáng gì, nhưng xin Ngài tha thứ cho người đàn bà tội lỗi nầy. Xin Chúa hãy cứu con như Ngài đã cứu tên trộm cướp bị tử hình trên thập tự giá.”
Thình lình, tôi thấy niềm vui trào dâng trong lòng tôi. Lòng tôi tan vỡ và biến chuyển quá nhanh! Tôi vui thỏa và nói lớn tiếng: ‘Tôi đã được tha thứ, tôi đã được tự do và tôi sẵn sàng chết!’ Tôi thành thật tin rằng không có người nào sẵn sàng vui sống mà không có Ðấng Christ. Và ít có ai sẵn sàng chịu chết mà không có sự bảo đảm của Ngài. Bây giờ tôi vui thỏa và bắt đầu hát lớn tiếng: ‘Ô, Giê-su Chúa ta là Bạn thật. Ngài bằng lòng gánh tội lỗi chúng ta, ban ơn chúng ta hôm nay thân mật, trình cho Chúa bao tâm sự ta…’ ‘Câm miệng lại Bà già.’ Cậu lính trẻ nổi quạu hét lên: ‘Tôi bảo bà ngừng hát ngay!’
          Tôi hỏi cậu ta: ‘Sao tôi lại phải vâng lời cậu giờ nầy? Chút nữa tôi sẽ chết. Bây giờ tôi là một người con của Chúa. Tôi mới vừa được Chúa tha thứ tội của tôi và Ngài mới vừa tiếp nhận tôi làm con của Ngài khi tôi bước lên ngọn đồi nầy. Tôi phải dùng những phút cuối cùng của đời tôi trên đất để ca ngợi Chúa Cứu Thế Giê-su của tôi.’ Rồi tôi hát tiếp: ‘Lòng tôi vui thỏa bấy, Chúa ôi, tôi thuộc Ngài nay, vui thỏa thay…’ Tôi lại khởi sự hát bài khác để cho người lính quạu quọ nầy nghe. Người lính nầy lấy xẻng đào huyệt mả cho tôi. Khi cậu đào, tôi cứ hát. Thỉnh thoảng, cậu ta ngước lên nhìn tôi, rồi đào tiếp. Khi đào xong, cậu ta nói: ‘Này bà, bà có nhắn nhủ điều gì không, trước khi tôi bắn bà và chôn bà tại đây?’
          ‘Có.’ Tôi nói và cảm thấy xót xa cho cậu ta. ‘Tôi có điều muốn nói. Cậu thấy tôi khi bước lên ngọn đồi nầy, chắc cậu thấy có điều gì đó đã xảy ra cho tôi. Sáng nay, tôi tràn ngập sợ hãi. Bây giờ tôi được bình an và vui mừng, nhờ Ðức Chúa Giê-su đã tha tội cho tôi và chấp nhận tôi làm con của Ngài. Tôi muốn cậu biết về Chúa Giê-su kỳ diệu nầy.’ Tôi muốn nói nhiều hơn, nhưng tôi cảm nhận được có ai bảo tôi nên cầu nguyện cho cậu lính trẻ nầy.
            Tôi nói: ‘Cậu ơi, xin cậu cho tôi những giây phút cuối nầy, để tôi cầu nguyện cho cậu. Tôi vừa nói vừa bước xuống hố. Cậu bịt mắt tôi lại. Tôi quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện cho người lính nầy. Sau vài phút cầu nguyện, tôi nghe cậu ta khóc. Tôi kết thúc lời cầu nguyện và nói: ‘Xong rồi, bây giờ cậu bắn đi!’
            ‘Tôi không bắn bà được!’ Cậu ta nói nghẹn ngào trong nước mắt. Cậu bước xuống huyệt, mở khăn bịt mắt cho tôi và nói: ‘Mẹ tôi thường cầu nguyện cho tôi như thế. Trong trí tôi thấy mẹ tôi đang cầu nguyện cho tôi. Khi tôi đưa súng lên bắn bà thì tôi thấy hình ảnh của mẹ tôi. Tôi không thể giết mẹ tôi.’ Tôi nói: ‘Cậu phải vâng lịnh cấp trên, nếu không họ sẽ giết cậu.’ Bấy giờ tôi thấy lo lắng cho mạng sống của cậu ấy hơn là lo cho mạng sống của mình. Người lính nói: ‘Tôi không thể giết Bà. Bà hãy chạy trốn đi, tôi sẽ bắn chỉ thiên.’ Cậu ta mở trói cho tôi. Tôi đã chạy qua mấy ngọn đồi và đến nơi trốn an toàn.”[14] 
           Thưa Quý vị, Ðức Chúa Giê-su “là Sự sống lại và là Sự sống.” (Kinh Thánh  Giăng 11:25). Cho nên khi chúng ta trở thành con dân của Chúa, chúng ta có hy vọng lớn lao nơi Ngài. Là con người, ai cũng sẽ chết cả. Nhưng các con dân của Chúa khi qua đời linh hồn của họ được về với Chúa; còn thân xác của họ dù có trở thành tro bụi thì Ðức Chúa Giê-su sẽ cho họ sống lại trong ngày tận thế. (Xem Kinh Thánh Giăng 6:40). Vì vậy mà một người con của Chúa đã nói lên lời thỏa lòng rằng: “Lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” (Thánh Phanxicô Xavie).
           Trong Ðức Chúa Giê-su có sự bình an, ngay khi phải đối đầu với sự chết, như Bà Park đã thuật lại kinh nghiệm của Bà. Xin phép hỏi nhỏ Quý vị, khi mà phải đối diện với sự chết, lòng Quý vị ra sao? Có phải linh hồn của Quý vị sẽ an bình về với Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa của mình, hay Quý vị vẫn chưa biết linh hồn mình sẽ đi về đâu?
             Thưa Quý vị, ngày hôm nay quyết định có tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình hay không là quyết định mà bất kì ai cũng có quyền lựa chọn. Nhưng việc phải bước vào Hồ lửa hình phạt đời đời vì tội lỗi của chính mình thì không ai có quyền từ chối cả. Chúng tôi thiết tha chân thành mời gọi Quý vị hãy tin nhận Ðức Chúa Giê-su ngay hôm nay để được tha thứ tội lỗi của mình và được hưởng phước với Ngài trong Thiên quốc đời đời.


ÐƯỢC VÀ MẤT

Giữa canh vắng đêm trường hồn thức giấc
Hướng về Cha Thiên thượng rất uy nghiêm
Lời Ngài dạy những điều được, mất
Phút nguyện cầu rực sáng giữa màn đêm.
Ðời thế đấy, một chuỗi dài mất mát
Mất tuổi thơ, sự nghiệp mất tình người
Mất nghị lực, tuổi xuân, cơ hội mất
Mất người thân, lý tưởng, niềm vui....
Ôi cuộc sống phù trầm, cơn gió thoảng
Số ngày mai quá ít sánh ngày qua
Ðường thế tục gót chân mòn quờ quạng
Suốt dậm dài bóng tối ngập phù hoa.
Trước thử thách gian nguy bao thảm trạng
Qua niềm tin nhìn thấy cõi tương lai
Chúa hiện diện, ngọn đèn luôn thắp sáng
Sáng lòng ta, soi sáng nẻo chông gai.
Tình Chúa yêu thêm hồn ta sức mới
Chúa ngự trong ta bất tận đêm ngày
Xin đùa hết ưu tư vào bóng tối
Mất mát nhiều, nhưng Chúa hiện còn đây.
                                                                             LINH CƯƠNG.

Kính thưa Quý vị,
                Sau khi đọc những bài viết trên, chúng tôi kính mời Quý vị tin nhận Ðức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình. Muốn tin nhận Ngài, xin Quý vị chân thành cầu nguyện như sau: “Kính lạy Ðức Chúa Trời, con là người bất toàn, con có nhiều tội lỗi với Ngài. Nay con xin ăn năn và tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là Ðấng Vô tội đã chịu chết trên thập giá vì tội của con. Xin Ðức Chúa Trời tha tội cho con và nhận con làm con của Ngài. Xin Chúa Thánh Linh dẫn con theo Chúa. Con cảm ơn Ngài. Con cầu xin trong Danh Ðức Chúa Giê-su. A-men!”
                Sau đó xin mời Quý vị tìm đến một nhà thờ Tin Lành gặp vị Mục sư ở đó để hỏi thêm về ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su.
                Cầu xin Ðức Chúa Trời ban phước cho Quý vị được nhiều sức khỏe và bình an luôn. 
                                                        Mục sư Trần Hữu Thành.
        


                                                    
 Ðịa chỉ Nhà thờ Tin Lành gần nơi ở của Quý vị:
_____________________________
________________________________________
________________________________________
________________________________________



[1] Kinh Nhẫn nhục. PHẬT GIÁO KINH. Trang 129.
[2] Kinh Tam Huệ. PHẬT GIÁO KINH. Trang 263.
[3] Kinh Tâm Ðịa Quán. PHẬT GIÁO KINH. Trang 130.
[4] Kinh Thi. MINH TÂM BẢO GIÁM. Nhà Xuất Bản Xuân Thu. Trang 45.
[5] Hòa Thượng Ðạo Thanh. MINH TÂM BẢO GIÁM. Nhà Xuất Bản Xuân Thu. Trang 239.
[6] Hòa Thượng Ðạo Thanh. MINH TÂM BẢO GIÁM. Nhà Xuất Bản Xuân Thu. Trang 240.
[7] Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. PHẬT HỌC PHỔ THÔNG - KHÓA 1 & 2. Trang 248.
[8] Kinh Niết Bàn. PHẬT GIÁO KINH. Trang 273.
[9] Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. PHẬT HỌC PHỔ THÔNG - KHÓA 3 & 4. Trang 29.
[10] Kinh Lục Ðộ Tập. PHẬT GIÁO KINH. Trang 238.
[11] Hòa Thượng Thích Thanh Từ. HÉ MỞ CỬA GIẢI THOÁT. Phát hành Sydney 1993. Trang 42.
[12] Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. PHẬT HỌC PHỔ THÔNG - KHÓA 3 & 4. Trang 29-30.
[13] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Melbourne. TẬP SAN TIN SỐ 2. Năm 1995.
[14] Dr. Yonggy Cho. NHIỀU HƠN NHỮNG CON SỐ. Trang 181...