Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

CHỈ CẦN BA TẤC ĐẤT!


          Một điền chủ rất giàu có, ruộng lúa bạt ngàn. Ông muốn cho người tá điền thân tín nhất một thửa đất rộng. Chiều dài thửa ruộng được tặng, tùy thuộc vào sức chạy của người tá điền. Anh ta sẽ bắt đầu chạy từ lúc mặt trời mọc cho đến giữa trưa, rồi cắm cọc làm dấu, sau đó chạy trở về đến nhà trước khi mặt trời lặn. Hôm đó, người tá điền bắt đầu cuộc chạy. Anh hiểu rằng hễ chạy càng xa thì mảnh đất càng lớn. Đến giữa trưa, anh tá điền dừng lại đóng cây cọc làm dấu, nhưng anh cảm thấy sức khỏe còn rất tốt, thế là một ý tưởng nảy ra, "Mình cố gắng chạy thêm chút nữa, khi trở về sẽ chạy nhanh hơn, chắc vẫn kịp!" Chạy một đoạn, người tá điền vội vã đóng cọc và quay trở về. Vừa chạy, anh suy nghĩ miên man cái viễn cảnh tốt đẹp khi mình trở thành một điền chủ. Thế nhưng, khi mặt trời đã sắp lặn, anh bỗng cảm thấy lo lắng vì đường về nhà còn khá xa! Cố gắng hơn, chạy nhanh hơn, bằng tất cả sức lực!… Điền chủ và gia đình anh tá điền chờ mãi không thấy anh trở về trong đêm. Cuộc tìm kiếm bắt đầu sáng hôm sau, họ gặp xác của anh trên một mô đất không xa nhà là mấy, tắt thở vì kiệt sức! Lẽ ra mảnh đất của anh sẽ có chiều dài vài ngàn mét, nhưng bây giờ miếng đất thuộc về anh chỉ còn là một khoảnh nhỏ đủ để lấp chiếc quan tài.
          Khi ý chí tham lam thúc đẩy, chúng ta sẽ có quyết định sai lầm. Có những sai lầm sửa chữa được, và những sai lầm không còn cơ hội! Bao nhiêu ước vọng và công sức đã đổ ra cả cuộc đời, con người chỉ gặt lấy hai bàn tay trắng. Họ không thể mang gì theo lúc chết. Cuộc chạy đã không về đến đích. Những gì quanh ta tựa như ảo giác, có đó, mất đó! Hãy tham gia một cuộc chạy, chẳng phải để giành lấy một mảnh đất trong đời nầy, song là một nước thiên đàng mà Chúa Cứu Thế đã hy sinh để sắm sẵn.

"Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng." (1 Cô-rinh-tô 9:26,27)

Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại 

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

LỜI CHÚC TỐT ĐẸP

Đọc: Phi líp 1:9-18
"Điều tôi cầu xin, ấy là tình yêu thương của anh em ngày càng gia tăng, cùng với sự hiểu biết và mọi nhận thức sâu sắc." (Phi líp 1:9).

Tại Singapore, mọi tiệc tùng giao tế, làm ăn trong mùa Tết của người Hoa thường bắt đầu với món ăn gồm xà lách, nước xốt, đồ chua, và cá sống. Tên gọi món này là Yu Sheng, một cách chơi chữ nghe giống như "năm thịnh vượng." Theo truyền thống, những người dự tiệc cùng ném tung xà lách và lặp lại những câu chúc phát tài.
            Lời nói chúng ta có thể nói lên hi vọng chúng ta mong muốn cho người khác trong năm tới, nhưng không thể nào giúp phát tài được. Vấn đề quan trọng là Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy gì trong chúng ta trong năm sắp tới?
            Trong thư gửi cho người Phi-líp, Phao-lô nói lên ao ước cùng lời cầu xin của ông cho tình yêu thương trong họ "ngày càng gia tăng cùng với sự hiểu biết và mọi nhận thức sâu sắc" (1:9). Hội Thánh tại đây từng là ngọn tháp kiên cố hỗ trợ cho ông (c.7), thế nhưng ông khuyên giục họ tiếp tục gia tăng trong tình yêu thương nhau. Phao-lô không đề cập tri thức mà đề cập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Yêu thương người khác khởi đầu bằng mối liên hệ gần gũi hơn với Đức Chúa Trời. Khi biết Đức Chúa Trời rõ hơn, chúng ta sẽ biết phân biệt phải trái đúng mức.
            Nói lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới là điều hay. Nhưng lời cầu nguyện chân thành của chúng ta phải là mong cho tình yêu thương gia tăng trong mỗi người, để chúng ta được "đầy trái công chính... để tôn vinh và ca ngợi Đức Chúa Trời" (c.11).
- C.P. Hia

Sưu tầm 

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

TẠI SAO NGƯỜI THEO CHÚA KHÔNG ĂN ĐỒ CÚNG?


                Các con dân của Chúa không ăn đồ cúng, vì Kinh thánh cấm:
       1. “anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy. Kính chúc bình an.” (Sứ đồ 15:29).
       2. “...đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỉ, chớ không phải cúng tế Ðức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ.” (1 Cô rinh tô 10:20).
      3. “... điều ta trách ngươi, ấy là ngươi còn dung cho Giê-sa-bên, người nữ ấy xưng mình là tiên tri, dạy dỗ và phỉnh phờ tôi tớ ta, đặng rủ chúng nó phạm tà dâm, và ăn thịt cúng thần tượng.” (Khải huyền 2:20). 
           

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

SỨC KÉO CỦA CÁNH DIỀU

         Những ngày lộng gió mùa hè là cơ hội để chơi trò thả diều! Ở một bãi đất rộng, người lớn thích thú xem các trẻ điều khiển những cánh diều, có khi họ cũng trực tiếp tham gia vào. Mã Trung Sinh, một cậu bé người Hoa nổi danh trong làng vì tài điều khiển diều xuất sắc. Không chiếc diều nào có thể vượt đến độ cao như diều của cậu. Cậu đã thành công khi tạo nên cánh diều và khiến nó bay cao trong sức gió.
          Một buổi chiều, Trung Sinh với cuộn dây cước trong tay điều khiển chiếc diều bay lượn trên nền trời xanh thẳm. Vài người lớn đứng nhìn thán phục, một người đàn ông bước đến hỏi: "Cháu à, chiếc diều của cháu bay cao quá, không nhìn thấy sợi dây, làm sao cháu có thể điều khiển được?" Cậu bé mỉm cười không trả lời, chỉ nói: "Đây, ông xem!" rồi đưa người ấy nắm giữ đầu sợi dây, thế là, ông ta đã tự khám phá ra sức kéo của cánh diều.       
Những thành công trong cuộc sống có thể đẩy bạn bay lên cao, nhưng hãy nhớ rằng, chính mối liên hệ với Chúa là điều cần thiết nhất để giữ bạn tồn tại. Cánh diều đừng tưởng rằng mình có thể tự bay bổng, phải có sức gió và sợi dây, không có một trong hai, diều chỉ là một vật vô nghĩa. Sức mạnh bạn có bao nhiêu, tùy thuộc vào mối thông công giữa bạn với Chúa nhiều hay ít, sâu nhiệm hay hời hợt.
Người ta có thể không nhìn thấy Chúa của bạn đâu cả, nhưng những gì họ cảm nhận được trong đời sống tốt đẹp mà bạn thể hiện, sẽ chứng tỏ cuộc sống của bạn do Đức Chúa Trời dẫn dắt. Những giờ cầu nguyện âm thầm và sự học hỏi Lời Chúa chính là sức căng của sợi dây để giữ cuộc đời bạn thành công trong đường lối đúng đắn. Hãy bay cao lên bằng năng lực của Ngài bởi sự thành tâm và khiêm tốn.

"Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi." (Ê-sai 40:31)

Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại 

BÁN RUỘNG VƯỜN ĐI TÌM KIM CƯƠNG

          Ngày xưa, tại Ba Tư, có một nông gia tên Ali Hafed. Ông có ruộng vườn phì nhiêu, cuộc sống giàu có. Ngày nọ, một người từ phương đông đến, cho Ali xem một viên kim cương và kể ông nghe những câu chuyện về loại đá quí hiếm nầy. Từ đó Ali chỉ mơ ước đến những viên kim cương với đủ màu sắc, bỏ phế ruộng vườn. Cuối cùng Ali Hafed bán hết đất đai, lên đường đi tìm kim cương. Ông đi khắp nơi, ngày qua ngày, tiền bạc mang theo dần cạn kiệt, ông trở nên nghèo túng mà vẫn không tìm được điều mình mơ ước. Đến khi hoàn toàn trắng tay, Ali thất vọng, tự sát. Một ngày kia, người đã mua khu đất của Ali dẫn lạc đà ra suối nước sau vườn. Khi lạc đà uống nước, ông nầy nhìn thấy những tia sáng lóe lên từ bãi cát bên dưới suối. Ông chạy đến, lượm lên, nó là một viên kim cương! Không chỉ có một viên, mà ông còn tìm thấy nhiều viên khác nữa. Khu vườn mà Ali Hafed đã bán, để ra đi tìm kiếm kim cương, sau đó trở thành mỏ kim cương Golconda nổi tiếng khắp thế giới.
          Có lẽ ai cũng tiếc nuối cho Ali Hafed, ông nhắm mắt mà không hề biết mảnh đất của mình trở thành mỏ kim cương! Ali không học được gì, nhưng chúng ta thì học được rất nhiều từ câu chuyện của ông. Mỗi con người là một tài sản của Thượng Đế, khi con người lầm lạc, Ngài đã vạch ra một con đường cứu rỗi qua sự hy sinh của Chúa Giê-su. Ngài muốn nhân loại hiểu rằng, giá trị thật của họ là vô cùng lớn lao. Báu vật mà họ cần tìm kiếm không phải là vàng bạc và những hào nhoáng của đời nầy, mà chính là sự sống vĩnh cửu. Lắm người bỏ phí cả cuộc đời để tìm kiếm những điều hư vô và tạm bợ, họ không biết rằng chìa khóa của hạnh phúc nằm chính trong lòng họ, chỉ cần tiếp nhận Chúa, tâm hồn họ sẽ là một mẩu thiên đường thu nhỏ. Đừng quanh quẩn trong thế giới nầy với sự khao khát những vật chất tạm bợ, hãy tìm kiếm hạnh phúc thật sự trong niềm tin, một thiên đường nơi tấm lòng có Chúa ngự trị.               

"Vậy, nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời." (Cô-lô-se 3:1)

Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại 

ĐỂ NỖI BUỒN VƠI ĐI!

         Một bà mẹ vừa mất đứa con, tìm đến một nhà hiền triết hỏi phương cách làm sao cho vơi bớt nỗi buồn. Nhà hiền triết suy nghĩ rồi nói: - “Bây giờ, bà hãy đi vào các nhà trong làng nầy, hỏi xem nhà nào chưa có người thân qua đời, hoặc chưa gặp chuyện đau buồn nào, thì xin nhà ấy một nắm gạo, rồi mang về đây, tôi sẽ làm thuốc cho.” - Người phụ nữ bất hạnh tìm đến từng nhà trong làng hỏi thăm, nhưng nhà nào cũng có người đã chết hoặc có chuyện đau lòng, chẳng nhà nào yên lành cả. Họ mời bà ngồi, thuật cho bà nghe các chuyện buồn của họ. Bao nhiêu nhà là bấy nhiêu chuyện buồn khác nhau, mỗi cảnh mỗi khác. Cuối cùng, bà trở về mà không có một nắm gạo nào. Gặp lại nhà hiền triết, bà nói ngay: 
          - “Thưa thầy, tôi nhận ra hiểu biết của mình hạn hẹp quá. Nghe qua nhiều câu chuyện đau thương, thậm chí chính tôi phải ngồi an ủi họ. Đau buồn là tình cảnh mà cả nhân loại phải chịu chung, không trừ một ai.” Nhà hiền triết lúc ấy mới nói: 
           - “Bà đã tự khám phá ra cách làm vơi đi nỗi buồn, một bài học rất giá trị. Bà đã kinh nghiệm nỗi đau của một người mẹ khi mất con, nhờ đó bà có thể thông cảm với những người khác và an ủi họ. Khi làm như thế, nỗi buồn của bà sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.” 
          Khi đau khổ, ai cũng nghĩ mình là người khổ nhất! Trong nỗi bất hạnh, chúng ta chỉ nhìn thấy mình, để rồi mỗi lúc mỗi đau khổ hơn, mặc cảm và than trách! Bài học mà vị đạo sĩ trên đây dạy cho người đàn bà, cũng dành cho chúng ta. Khi rơi vào những nỗi đau buồn, hãy nhìn đến nỗi đau của Chúa Cứu Thế, hãy mở rộng tầm nhìn để thấy cảnh khổ của những người chung quanh, bạn sẽ được an ủi rất nhiều. Một ý thức tiềm ẩn trong bạn sẽ trỗi dậy, bạn sẽ vượt qua nỗi buồn của riêng mình để mang niềm an ủi của Chúa mà an ủi những ai đau khổ hơn.

           "Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!" (2 Cô-rinh-tô 1:4)

Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại 

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Làm ngơ ân sủng.

Đọc Ma thi ơ 7:13-23.
Cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, người tìm thấy được thì ít. (Mathio 7:14)

                Giữa phố xá sôi động trong một thành phố lớn Á châu, tôi kinh ngạc trước cảnh đông người trên các lề đường nhộn nhịp. Có vẻ như không còn chỗ để di chuyển trong cảnh người nhồi nhét như vậy, thế nhưng cũng có vẻ như mọi người vẫn cứ di chuyển hết tốc lực.
             Tôi chú ý ngay tới âm thanh êm dịu, hầu như não nuột từ một tay kèn chơi bản "Ơn Giê-xu Cao sâu lắm thay!" Đám đông dường như quên lãng sự hiện diện của nhạc sĩ cũng như bản nhạc. Thế nhưng anh vẫn chơi hắn gửi thông điệp yêu thương của Đức Chúa Trời qua điệu nhạc, cho bất kỳ ai biết lời ca và chịu suy nghĩ về những lời anh phát ra.
             Tôi nghĩ, kinh nghiệm này giống như một ẩn dụ. Âm nhạc như lời mời đám đông theo Chúa Giê-xu. Cũng giống như sứ điệp Phúc Âm, một số người tin vào ân sủng diệu kỳ của Đức Chúa Trời và chọn con đường hẹp. Người khác thì làm ngơ ân sủng, tức chọn con đường rộng dẫn tới hủy diệt đời đời. Chúa Giê-xu phán, "Hãy vào của hẹp; vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn tới sự hủy diệt, người vào đó thì nhiều. Còn cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, người tìm thấy được thì ít" (Ma-thi-ơ 7:13-14). Chúa Giê-xu đã chết thay cho tội nhơn để "Ai kêu cầu danh Ngài" (Rô-ma 10:13) thì được tha thứ trong ân sủng Ngài.  - Bill Crowder.

 

Nguồn: Daily Bread. 

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Nhìn và học

Đọc: Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:18-21
Câu gốc: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải đi.” (Châm Ngôn 22:6).

Trong khi trọng tài đứng phía sau tấm bảng tại một cuộc thi đấu bóng bàn nữ, ông nghe mẹ của một vận động viên bắt đầu la lớn tiếng: "Chúng tôi muốn có trọng tài mới! Chúng tôi muốn có trọng tài mới!" Liền tức khắc, các cha mẹ khác cũng đồng thanh phụ họa. Viên trọng tài mỉm cười, quay về phía đám đông, la to, "Tôi muốn những phụ huynh mới! Tôi muốn những phụ huynh mới!" Âm thanh quấy rối liền lịm tắt.
Điều quan trọng là bậc cha mẹ phải nêu gương tốt, vì các con cái đang theo dõi họ. Phụ huynh Cơ Đốc có thể khích lệ thói quen và hành vi tốt qua các việc làm sau đây:
•. Cầu nguyện cho và cầu nguyện cùng với con cái để chúng học tập trò chuyện với Đức Chúa Trời. "Hãy tiếp tục sốt sắng cầu nguyện, phải tỉnh thức trong lúc cầu nguyện" (Cô-lô-se 4:2).
•. Đọc và dạy Kinh Thánh cho con cái để chúng học biết lẽ thật của Đức Chúa Trời. "Hãy ân cần dạy dỗ [điều răn Đức Chúa Trời] cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy" (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7)
•. Nói cho chúng biết về Chúa Giê-xu và hướng dẫn chúng đặt niềm tin nơi Ngài. "Nếu một người chẳng sanh lại thì không thể nào nhìn thấy vương quốc của Đức Chúa Trời" (Giăng 3:3)
Cách hay nhất để nêu gương tốt cho con cái là sống niềm tin của mình ngay trước mắt chúng. Nhìn thấy tức là chúng đang học được điều quan trọng nhất trong cuộc sống.  - Cindy Hess Kasper.


Nguồn: Daily Bread. 

Lời Kết của Sa lô môn

Đọc: 1 Các vua 10:23; 11:1-10.
Câu gốc: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các điều răn của Ngài, 
đó là phận sự của ngươi.” (Truyền đạo 12:13)

          Tạp chí SMITH, một cộng đồng trực tuyến "Ca tụng niềm vui kể chuyện," họ mời độc giả gửi hồi ký gồm sáu từ mô tả cuộc đời mình. Hàng ngàn người đã đáp ứng với những tiểu sử ngắn gọn, đi từ hạnh phúc "Vợ hiền, con ngoan giàu có" tới khổ đau: "Sáu mươi. Vẫn chưa tha thứ bố mẹ."
            Dựa vào Kinh Thánh, tôi cố tưởng tượng Vua Sa-lô-môn có thể tóm lược cuộc đời ông qua kết luận nào. Lúc trẻ, có thể ông viết: Đức Chúa Trời cho tôi khôn ngoan tuyệt vời. Nhưng về già, có thể ông nói: Lẽ ra tôi phải thực hành điều mình giảng.
           Suốt thời trị vì đặc biệt hòa bình và thịnh vượng, Sa-lô-môn mắc bịnh tim thuộc linh. Về già, ông bị "các bà vợ quyến dụ theo các thần khác; và lòng vua không còn trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình như Đa-vít cha của vua" (1 Các Vua 11:4). Kết quả là Đức Chúa Trời không hài lòng và đó là kết cuộc bi thảm cho một cuộc sống gương mẫu trước đó (c.9).
           Nhiều lần Sa-lô-môn dùng từ hư không (hoặc vô nghĩa) trong sách Truyền đạo, có thể cho thấy ông đã vỡ mộng với đời. Vị vua một thời khôn ngoan này, đã có tất cả, rồi mất tất cả, và suy nghiệm tất cả, để cuối sách đưa ra kết luận chung cuộc: "Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các điều răn của Ngài" (12:13).
          Đây là lời kết đáng làm theo. - David McCasland.



Nguồn: Daily Bread. 


Thành Phố có động đất

Đọc Công vụ các Sứ đồ 16:23-34.
“Thình lình có cơn động đất rất lớn, đến nỗi các nền ngục rúng động.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:26).

            Trong tác phẩm A Crack in the Edge of the World, Simon Winchester viết về tỉnh nhỏ Parkfield dễ bị động đất ở California. Tìm cách thu hút du khách,một khách sạn treo bảng hiệu: "Hãy Ngủ Ở Đây Khi Có Chuyện Xảy Ra." Thực đơn trong một nhà hàng địa phương vẽ một miếng thịt bíp-tết thật lớn, gọi là "Miếng Bự," còn món tráng miệng có tên gọi "Sau Chấn Động." Nhưng gạt hết mọi khía cạnh hài hước qua một bên, cơn động đất thực sự có thể là kinh nghiệm hãi hùng. Tôi biết. Tôi đã từng sống qua những cơn động đất ở California.
             Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta thấy Đức Chúa Trời dùng động đất để mở lòng người ta đối với Phúc Âm. Vì bị cáo oan, Phao-lô và Si-la phải ngồi tù tại Phi-líp. Khoảng nửa đêm, một cơn động đất làm rung chuyển nhà tù, mở tung các cửa và tháo tung xiềng tù nhân. Khi viên cai ngục hay tin Phao-lô và Si-la không tìm cách bỏ trốn, liền hỏi, "Tôi phải làm gì để được cứu?" (16:30). Phao-lô đáp, "Hãy tin Chúa Giê-xu Christ thì ông và cả gia đình ông sẽ được cứu" (c.31). Đêm đó, viên cai ngục cùng gia đình đã tin và chịu báp têm. Và thế là mọi sự khởi đầu bằng cơn động đất.
             Đôi khi những đảo lộn trong cuộc sống có thể khiến con người cởi mở hơn, đối với Phúc Âm. Bạn có biết ai đang gặp khủng hoảng không? Hãy tiếp xúc họ trong tinh thần cầu nguyện và sẵn sàng chia sẻ lời làm chứng đầy ý nghĩa cho họ. - Dennis Fisher.


Nguồn: Daily Bread. 


Ngược đời

Đọc: Ma thi ơ 5:38-48
Câu gốc: “Các ngươi có nghe lời dạy rằng, "Hãy thương yêu người lân cận và hãy ghét kẻ thù nghịch." Nhưng Ta bảo các ngươi, hãy yêu thương kẻ thù nghịch mình.” (Ma-thi-ơ 5:43-44).

Nếu bạn hỏi tôi, tôi theo ai, tôi sẽ đáp, tôi là người theo Chúa Giê-xu. Nhưng phải thú nhận, đôi khi theo Ngài là cả một thách thức. Ngài bảo tôi làm những chuyện như, phải vui khi bị bắt bớ (Ma-thi-ơ 5:11-12); đưa luôn má bên kia (c.38-39); khi bị ai tước thứ gì, thì cho luôn (c.40-42); yêu kẻ thù, chúc lành cho kẻ nguyền rủa tôi, và làm lành cho kẻ ghét tôi (c.43-44). Sống theo kiểu đó có vẻ rất ngược đời đối với tôi.
            Nhưng suy nghĩ, tôi nhận ra rằng Ngài không ngược đời mà tôi mới ngược đời. Tất cả chúng ta đều sa ngã và bại hoại bẩm sinh. Bị tội lỗi bóp méo, những bản năng ban đầu của chúng ta thường lạc sai, đương nhiên dẫn tới cảnh tồi tệ.
             Chúng ta giống như lát bánh mì nướng trét đầy mứt, rơi úp xuống sàn bếp. Bỏ mặc một mình, chúng ta có thể làm bê bết mọi chuyện. Nhờ Chúa Giê-xu xuất hiện, giống như cán dao thần, dích chúng ta khỏi sàn bếp, khỏi đường lối tội lỗi, lật chúng ta trở lại. Và từ khi bước theo đường lối ngay thẳng của Ngài, chúng ta mới khám phá ra rằng đưa luôn má bên kia, giúp chúng ta tránh cãi cọ; rằng ban cho có phước hơn nhận lãnh, và chết bản ngã là sống tốt đẹp nhất.
            Dù sao, đường lối Ngài không phải đường lối chúng ta (Ê-sai 55:8), và tôi nhận ra rằng đường lối Ngài luôn luôn là đường lối hay nhất! - Joe Stowell.



Nguồn: Daily Bread. 


Không còn tranh chiến

Đọc Khải huyền 21:1-4.
Câu gốc: “Đức Chúa Trời sẽ lau ráo nước mắt trên mặt họ.” (Khải huyền 21:4)

            Fay Weldon vượt qua một kinh nghiệm mà chị nghĩ là suýt chết, vào năm 2006, khi tim chị ngưng đập do dị ứng. Chị kể lại kinh nghiệm này cho Elizabeth Grice của London Daily Telegraph. Chị nói, một "sinh vật kinh khủng" tìm cách kéo chị qua các cổng thiên đường, trong khi các bác sĩ thì tìm cách kéo giữ chị lại. Sau này, chị nói, "Nếu đó là hấp hối, thì tôi không muốn lặp lại như vậy." "Chỉ là sự lặp lại y hệt thôi. Cứ tranh chiến mãi."
            Thường tiến trình hấp hối là cuộc tranh chiến. Nhưng tự thân cái chết thì tín nhân trong Đấng Christ chẳng cần phải sợ vì chết đưa chúng ta về thiên đàng. Trong Khải Huyền Giăng mô tả thật tuyệt vời, cõi đời đời với Đức Chúa Trời (21:1-4). Ông nhìn thấy Giê-ru-sa-lem Mới từ trời xuống. Thành Giê-ru-sa-lem là dấu hiệu thuộc thể về dân sự Đức Chúa Trời và được mô tả là nơi Đức Chúa Trời ngự (Thi Thiên 76:2). Ngược lại, Giê-ru-sa-lem Mới không do tay người xây nên. Đó sẽ là nơi Đức Chúa Trời ở với dân sự Ngài đời đời, và sẽ là nơi "không còn" khổ đau, buồn rầu, và bịnh tật.
            Chúng ta không biết nhiều về cõi đời đời, nhưng chúng ta biết rằng đối với Cơ Đốc nhân, dù hiện tại có phải tranh chiến tình cảm hay thể xác ra sao, thì rồi cũng sẽ chấm dứt. Cuộc sống với Đức Chúa Trời sẽ tươi đẹp và tươi đẹp mãi mãi. - Marvin William.



Nguồn: Daily Bread. 


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Lương tâm trong sáng

Đọc 1 Giăng 1:1-10.
Câu gốc: Tôi luôn cố gắng để có lương tâm 
không bị cáo trách trước mặt Đức Chúa Trời 
và trước mặt con người. – (Công Vụ Các Sứ Đồ 24:16).

              Sau khi Ffyona Campbell nổi tiếng là người phụ nữ đầu tiên đi bộ khắp thế giới, thì niềm vui của cô chẳng được bao lâu. Tuy được tán dương, cô vẫn thấy ray rứt. Cô thấy mình có lỗi và điều đó đã đẩy cô tới chỗ suy sụp tinh thần.
             Cô ray rứt chuyện gì? Cuối cùng, cô thú nhận, "Lẽ ra tôi không xứng đáng được ghi nhận là người nữ đầu tiên đi bộ khắp thế giới. Tôi đã gian lận." Trong chuyến đi vất vả vòng quanh thế giới, cô đã vi phạm những hướng dẫn trong Guiness Book về Kỷ lục Thế giới bằng cách đi bằng xe tải trên một đoạn đường. Để giữ lương tâm trong sáng, cô đã gọi điện cho người cố vấn và thú nhận mình đã gian dối.
             Đức Chúa Trời cho chúng ta lương tâm để cáo tội khi chúng ta làm sai. Trong Rô-ma, Phao-lô mô tả lương tâm "Cáo buộc hoặc biện hộ [cho chúng ta]" (2:15). Đối với người vâng phục Chúa, thì lo cho lương tâm, là cách quan trọng để duy trì la bàn đạo đức, cho dù là đạo đức không hoàn hảo. Xưng tội, từ bỏ tội lỗi, và bồi thường phải là cách sống của chúng ta (1 Giăng 1:9; Lê-vi Ký 6:2-5).
             Phao-lô nêu gương một lương tâm tốt, khi ông nói, "Tôi luôn cố gắng để có lương tâm không bị cáo trách trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt con người" (Công Vụ Các Sứ Đồ 24:16). Nhờ xưng tội và ăn năn, ông giải quyết mọi vấn đề với Đức Chúa Trời. Tội lỗi có đang quấy rối bạn không? Hãy theo gương Phao-lô. Cố gắng giữ cho lương tâm trong sáng.                  - Dennis Fisher 



Nguồn: Daily Bread. 

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Vẫn đúng vào ngày nay

Đọc: Công vụ Các Sứ đồ 17:16-31
Câu gốc: "Trong lúc chờ đợi tại A-thên, Phao lô tức giận khi
thấy thành phố đầy dẫy những hình tượng.” (Công vụ Các Sứ đồ 17:16).

               Thư viện Chester Beatty Library ở Dublin, Ái Nhĩ Lan, có bộ sưu tập nhiều phần Kinh Thánh xưa từ thế kỷ thứ nhì sau công nguyên. Một mẫu có một phần của Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16.
               Tuy nhiên, thông điệp từ mẫu đó vẫn hợp thời như báo chí ngày nay. Đó là "Trong lúc Phao-lô chờ họ tại A-thên, Phao-lô tức giận khi thấy thành phố đầy dẫy những hình tượng." Phao-lô nổi giận vì sự đầy dẫy hình tượng, và tôi tin rằng ông cũng sẽ nổi giận với chúng ta ngày nay.
              Một số thần tượng chúng ta thấy trong thế giới ngày nay khác với trong thời Phao-lô. Như là của cải, danh vọng, quyền lực, thể thao, giải trí, hoặc chính trị, thần tượng ngày nay phải nói là dẫy đầy. Kẻ thù thuộc linh của chúng ta là Sa-tan, muôn thuở vẫn tìm cách quyến dụ chúng ta lìa bỏ Chúa Cứu thế để quay sang thờ lạy hình tượng tà thần. Cơ Đốc nhân không được miễn trừ, và vì vậy chúng ta phải canh giữ lòng mình, không tự cho mình là công chính mà nổi giận với người chưa tin, là những người có vẻ như thờ lạy đủ thứ, ngoại trừ Đức Chúa Trời.
               Chúng ta cũng phải có tình yêu của Đấng Christ để đến với những người chưa biết Ngài. Sau đó, giống như tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca, họ có thể "Quay về với Đức Chúa Trời, từ bỏ thần tượng để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật" (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

- Bill Crowder


Nguồn: Daily Bread. 

Đức Chúa Trời đang hành động

Đọc: Xuất Ê díp tô ký 14:26-15:2
Câu gốc: “Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi khen Ngài.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:2).


               Trong lúc Jack và Trisha đang lái xe khuya tới bệnh viện cho đứa con thứ nhì chào đời, thì bất ngờ Trisha sinh trên xe! Jack gọi số 911 và Cherie White, một nhân viên cấp cứu chỉ cho Jack cách hộ sinh. Nhưng đứa bé không thở. Vì vậy Cherie chỉ dẫn Jack cách làm hô hấp nhân tạo, và anh phải thực hiện suốt 6 phút đầy âu lo. Cuối cùng, hài nhi đã thở và khóc. Về sau, khi được hỏi làm sao họ có thể qua khỏi cảnh kinh hãi đó mà vẫn bình tĩnh, Cherie đáp, "Tôi thật vui, Đức Chúa Trời vẫn hành động lúc nửa khuya!"
                Tôi thích nghe những tường thuật trong đó Đức Chúa Trời được tôn vinh xứng đáng với việc tốt đã diễn ra. Trong bài đọc Kinh Thánh hôm nay, rõ ràng là Đức Chúa Trời đã có công rẽ Biển Đỏ giúp dân sự Ngài thoát khỏi Pha-ra-ôn, tuy Môi-se chính là người giơ cao cây gậy (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:26-27). Toàn thể dân Ít-ra-ên cùng Môi-se họp nhau hát ngợi khen Chúa: "Lạy Đức Giê-hô-va, trong số các thần, có ai giống như Ngài? Ai so được với Ngài, rạng ngời trong thánh khiết, đáng kính sợ và tôn vinh, làm những việc nhiệm mầu?" (Xuất Ê díp tô ký 15:11).
                Khi một việc tốt diễn ra. Chúa là Đấng đáng nhận chúc tụng vì Ngài là nguồn của mọi điều tốt đẹp. Hãy dâng vinh quang cho Ngài. Bạn có vui vì Ngài hành động lúc nửa khuya không? 

- Anne Cetas 

Nguồn: Daily Bread. 

THẾ NÀO LÀ ĐƯỢC CỨU?

         Một người da màu ở Châu Phi tin nhận Chúa Jêsus. Ngày kia, anh đang vác bao khoai to từ đồng về, giữa đường gặp một người bạn chưa tin Chúa. Đó là người mà anh đã nhiều lần nói về Chúa, nhưng người ấy chẳng những không tin, lại còn cho anh là “kẻ mê đạo.” Khi vừa gặp nhau, người nọ trêu chọc anh rằng: “Làm sao anh biết mình đã được Chúa cứu?” Người da màu cố ý đi thêm mấy bước, buông tay cho bao khoai tuột khỏi vai mình, rơi xuống đất, rồi quay lại nói với bạn: “Tôi cũng muốn hỏi anh, làm sao tôi biết bao khoai trên vai đã rớt xuống dù tôi không ngó lại?” Người kia đáp: “Lẽ tự nhiên, vì gánh nặng trên vai đã rớt, lẽ nào anh không biết được?” Người tín đồ da màu gật đầu, rồi tiếp: “Đúng, đang vác nặng mà vật nặng rớt xuống thì cảm biết nhẹ nhàng ngay! Trước khi tôi tin Chúa, tôi cũng có nhiều gánh nặng trong lòng. Nhiều việc tôi làm đã đem đau khổ và lương tâm không bình an. Nhưng nay gánh nặng ấy không còn nữa. Tôi đã tìm được sự vui thỏa và bình an từ khi tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa cho đời tôi. Như vậy, chính anh có thể trả lời câu anh vừa hỏi: "Làm sao để biết mình được cứu?”
          Nhiều người tin Chúa đã lâu nhưng thật bối rối trước những câu hỏi tương tự. Kinh nghiệm sống với Chúa của họ quá ít ỏi. Mối giao thông với Chúa nghèo nàn. Tâm linh khô hạn! Đời sống trước và sau khi tin Chúa dường như không có gì khác nhau. Họ chưa hiểu sự biến đổi là gì. Họ vẫn hằng ngày kéo theo những gánh nặng mà không biết cách nào để chuyển giao cho Chúa dù họ thuộc lòng Ma-thi-ơ 11:28-30! Chúa Cứu Thế mà họ tin, là Chúa Cứu Thế trong Kinh Thánh chứ không phải là Ngài trong đời sống thường nhật. Họ hiểu biết Ngài bằng lý trí, không phải bằng tấm lòng; trong khi Ngài muốn ngự vào lòng chứ không phải chỉ là trong trí. Hãy cảm biết được sự hiện diện của Chúa hằng ngày và những gì khác biệt mà Ngài đã làm kể từ lúc chúng ta tin.

"Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ… Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng." (Ma-thi-ơ 11:28,30).


Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại 



SÂU NHỎ ĐỤC KHOÉT!

         Trên sườn núi Long’s Peak ở Colorado, có một cây cổ thụ rất lâu đời. Các nhà thực vật học cho biết nó đã tồn tại khoảng 400 năm. Người ta tính ra nó đã bị sét đánh 14 lần, và trải qua biết bao nhiêu thời kỳ giá băng giông tố, mà vẫn sừng sững giữa sườn núi. Thế nhưng, hiện nay, cây cổ thụ ấy đã bị tàn phá, xác xơ với những phần thân rỗng. Người ta khám phá ra nguyên nhân của sự kiện nầy là do một đàn sâu đã đục khoét cây cổ thụ. Đàn sâu ăn ruỗng bên trong thân cây, rồi một phần vỏ cây, cho đến lúc chính nó tự ngã quỵ vì không còn nguồn sinh lực từ lòng đất. Mỗi ngày những con sâu gặm nhấm một chút, liên tiếp không ngừng, những con sâu bé nhỏ có thể bị bóp nát giữa hai đầu ngón tay, ấy thế mà chúng đã đánh gục một cây cổ thụ khổng lồ đã từng tồn tại với thời gian.
           Sa-tan không bao giờ đến với chúng ta bằng những đề nghị phạm tội nghiêm trọng. Nó chỉ yêu cầu ta làm những việc nhỏ nhặt! Với Ê-va, chỉ ăn một trái cấm. Chúa Giê-su chỉ cần hóa một viên đá thành bánh. A-can chỉ giấu một áo choàng và ít vàng bạc… Thế nhưng, những tội lỗi nhỏ tưởng chừng như không ảnh hưởng bao nhiêu, sẽ trở thành hiểm họa khủng khiếp! Nó tiếp tục đục khoét như đàn sâu, vươn những chiếc vòi như bạch tuột để quấn lấy và siết chặt. Khi ta nhận ra hậu quả nghiêm trọng của những tội lỗi nhỏ nhặt, thì mọi thứ đã sắp ngã nhào.
          Có thể chúng ta rất vững vàng khi bị bắt bớ, sẵn sàng chịu thiêu sống trên giàn hỏa nếu bị buộc phải chối Chúa. Chấp nhận tù đày chứ không chịu chối bỏ đức tin….. song lại thất bại trước những lời cám dỗ ngọt ngào. Phi-e-rơ chuẩn bị đối phó với sự bắt bớ của những tên lính La Mã, nếu có sự tra hỏi nào, ông sẽ sẵn sàng "chết vì Thầy" - Thế nhưng, lời chối Chúa lại được thốt ra trước câu hỏi của một đứa tớ gái vô danh tiểu tốt! Những tật xấu và bản tánh tội lỗi, dù nhỏ bé và thường tình đến đâu, nếu không được đề phòng và bị loại trừ, cũng sẽ là mối nguy hại nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống hiện tại và sự cứu rỗi đời sau.

"Tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước." (Giê-rê-mi 5:25).

Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại 

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Bạn được sanh lại khi nào?

      Tái sanh và sanh lại có cùng một ý nghĩa. Lẽ đạo sanh lại rất quan trọng. Chính Đức Chúa Giê su phán cùng Ni cô đem rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Ðức Chúa Trời.” (Giăng 3:3).
                Khi Bạn được sanh lại thì Bạn được gia nhập vào gia đình của Đức Chúa Trời với tư cách là con cái của Ngài. Đó là ngày Đức Thánh Linh khiến Bạn hết lòng "xưng Đức Chúa Giê su là Chúa" (1 Cô rinh tô 12:3b) của Bạn. Bạn thật lòng tin nhận Đức Chúa Giê su “chịu chết vì tội” của Bạn (1 Cô rinh tô 15:3), đó cũng là ngày mà Bạn chân thành nói rằng Đức Chúa Giê su “Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga la ti 2:20b). Từ lúc đó, Thánh Linh của Đức Chúa Giê su ban cho bạn phước hạnh là làm con cái Đức Chúa Trời như Kinh thánh hứa rằng: “Hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” (Giăng 1:12).
                Tóm lại Thánh Linh đã tái sanh Bạn vào ngày Bạn hết lòng tin nhận Đức Chúa Giê su làm Cứu Chúa của mình.
                Cầu xin Chúa ở cùng Bạn và Thánh Linh Ngài luôn nuôi dưỡng Bạn càng ngày càng lớn lên trong ân điển Ngài.

Tại sao Đạo Tin Lành nghỉ ngày Chúa nhật?

Có câu hỏi đặt ra là tại sao Đạo Tin Lành nghỉ ngày Chúa nhật mà không nghỉ vào ngày Thứ Bảy như Luật pháp Môi se dạy? (Xuất Ê díp tô ký 20:10).
Câu trả lời là Đạo Tin Lành giữ ngày Chúa nhật vì,

1.- Đây là ngày Đức Chúa Giê su sống lại. Kinh thánh Ma thi ơ chép: “Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ. Và nầy, đất rúng động dữ dội, vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá ra mà ngồi ở trên.... Thiên sứ nói cùng họ rằng: Đức Chúa Giê su ‘không ở đây đâu, Ngài sống lại rồi.’” (Ma thi ơ 28:1-6). [Cũng xin xem Mác 16:2...; Lu ca 24:1...; Giăng 20:1...]

2.- Theo gương của Hội Thánh đầu tiên:
            Hội Thánh đầu tiên nhóm lại thờ phượng vào “ngày thứ nhất trong tuần lễ” (Công vụ các Sứ đồ 20:7...). 





Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Khác nhau tôn kính và tôn thờ.

         Tôn kính: là tôn trọng và cung kính. Thí dụ: Tôn kính người lớn tuổi,  tôn kính thầy giáo.
          Tôn thờ: là gồm có tôn kính, cầu nguyện và phục vụ.
          Thí dụ: Tôn thờ Đức Chúa Trời là tôn kính Ngài, cầu nguyện với Ngài và phục vụ Ngài.
          Vì vậy, nếu chúng ta nói tôi chỉ kính người nào đó thôi, nhưng lại cầu nguyện, khấn vái với người đó tức là chúng ta đã thờ phượng người đó.
           Lời Đức Chúa Giê su dạy: “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Ma thi ơ 4:10).